Cách đây gần 20 năm (năm 1993), ông Tiệp bắt đầu thăm dò tìm kiếm kho báu tại núi Tàu lần đầu tiên sau khi Văn phòng Chính phủ có ý kiến và được UBND tỉnh cho phép.
Sau gần 5 năm tiến hành thăm dò, ông Tiệp không tìm thấy các dấu hiệu chứng minh có “kho báu” chôn giấu. Do đó, đầu tháng 4-1999 UBND tỉnh quyết định chấm dứt hoạt động thăm dò của ông Tiệp.
Đến ngày 15-4-1999, ông Tiệp tiếp tục xin phép thăm dò tìm kiếm, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh lúc ấy không chấp thuận và yêu cầu ông thực hiện việc san lấp lại mặt bằng và trồng cây tại hiện trường.
Sau đó ông Tiệp mới thực hiện được khoảng 40% việc san lấp lại mặt bằng đã đào bới và chưa trồng cây tại hiện trường. Vì vậy, UBND tỉnh chưa cho ông Tiệp nhận lại 50 triệu đồng mà ông nộp tại Kho bạc huyện Tuy Phong. Ông Tiệp tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan Trung ương, xin được tiếp tục thăm dò.
Sau kiến nghị đó, tháng 10-2001, UBND tỉnh cho phép ông Tiệp được tiếp tục thăm dò. Ông Tiệp ủy quyền cho ông Lê Văn Hiền thay mặt ông, cùng ông Hoàng Văn Trường (chuyên gia khảo cổ) trông coi việc thăm dò “kho báu” tại núi Tàu.
Sau một thời gian dài triển khai việc thăm dò khá tốn kém nhưng không có kết quả, ông Lê Văn Hiền đề nghị UBND tỉnh chấm dứt không cho ông Trần Văn Tiệp và bất cứ ai tiếp tục thăm dò nữa. Sau đó ông Lê Văn Hiền rời bỏ núi Tàu không trông coi việc thăm dò khai thác.
Đến ngày 2-2-2003, ông Tiệp gửi báo cáo đến UBND tỉnh về việc ông Lê Văn Hiền rời bỏ núi Tàu và ủy quyền mới cho ông Phạm Nhật Quốc Phố trông coi.
Xét thấy sau 10 năm thăm dò, khai quật không kết quả, ngày 25-2-2003, UBND tỉnh quyết định kết thúc thăm dò, đồng thời giao UBND huyện Tuy Phong tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát việc trồng lại cây xanh trên diện tích đã thăm dò, khai quật.
Đến tháng 6-2003, ông Tiệp vẫn chưa thực hiện yêu cầu san lấp và trồng lại cây xanh, nên UBND tỉnh giao cho UBND huyện Tuy Phong tổ chức việc san lấp, trồng lại cây xanh và UBND huyện Tuy Phong làm thủ tục thanh toán với ông Tiệp trong số tiền 50 triệu đồng mà ông Tiệp đã ký quỹ tại Kho bạc huyện Tuy Phong.
Ngày 13-10-2006, ông Tiệp tiếp tục có đơn đề nghị được tiếp tục tổ chức khai quật điểm nghi chôn giấu “kho báu” tại núi Tàu nhưng Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời không chấp nhận.
Ngày 12-10-2009, ông Trần Văn Tiệp lại có đơn xin khai thác phế liệu và kim loại màu trên núi Tàu. Tháng 1-2010, sau khi nghe ông Tiệp trình bày kế hoạch khai thác, UBND tỉnh đã có công văn chấp thuận cho ông khai thác với điều kiện: ông phải đóng khoản tiền thế chân là 10 tỉ đồng vào Kho bạc tỉnh.
Nếu việc thăm dò khai quật có kết quả thì ông được nhận lại khoản tiền trên, đồng thời được hưởng lợi, chi thưởng theo quy định pháp luật.
Nếu thăm dò khai quật không có kết quả, thì ông không được nhận lại khoản tiền thế chân 10 tỉ đồng, mà khoản tiền này được dùng để khôi phục lại hiện trạng đất rừng, vệ sinh môi trường, chi phí công tác quản lý bảo vệ và sung vào công quỹ Nhà nước. Ông Tiệp sau đó tỏ thái độ bất cần.
Từ những tài liệu, bằng chứng ban đầu và quá trình thực hiện việc thăm dò, khai quật tại núi Tàu của ông Tiệp từ năm 1993 đến nay không có dấu hiệu bằng chứng cụ thể, xác thực chứng tỏ có “kho báu”. Ông Tiệp chỉ đưa ra được một số vật chứng mơ hồ như: bản sơ đồ vẽ bằng tay không rõ xuất xứ, thanh kiếm cũ, đồng bạc giấy của Nhật…
Quá trình thăm dò, khai quật từ năm 1993 đến nay, làm cho các cơ quan nhà nước có liên quan phải bố trí cán bộ quản lý, kiểm tra, giám sát tốn kém thời gian và chi phí. Cũng chính sự kiện này làm phát sinh một số tin đồn thất thiệt làm cho các cơ quan thông tin báo chí và dư luận nhân dân quan tâm theo dõi.
Đến giữa năm 2011, ông Tiệp lại khẩn thiết lần cuối cùng xin phép được tìm “kho báu” bằng cách thăm dò để khai thác phục vụ cho lợi ích đất nước và đã được chấp nhận.
Với máy móc thăm dò hiện đại và được UBND tỉnh cho phép khoan nhiều vị trí như lần này, nhiều người cho rằng nếu tìm thấy thì ông là người có công, còn tiếp tục tìm không có kết quả, thì ông Tiệp cũng nên khép lại vụ tìm “kho báu”, chí ít là để ổn định tình hình trật tự tại địa phương, cũng như không tốn công sức của các ban, ngành phải túc trực theo dõi mỗi khi ông Tiệp đào bới thăm dò.
Bình luận (0)