Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết hiện tượng cháy xe không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc thậm chí đã thành lập các tổ chức chuyên nghiên cứu về hiện tượng cháy xe.
Lỗi do người sử dụng?
Tình trạng cháy xe ở Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm trước. Giai đoạn 2013-2015, số vụ cháy xe đã giảm nhưng thời gian gần đây xuất hiện trở lại, nguy hiểm hơn cả là các vụ cháy xe khách.
Gần đây, ngày 6-6, trên Quốc lộ 51 (đoạn qua xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), một xe khách giường nằm chạy tuyến La Gi (tỉnh Bình Thuận) - Vũng Tàu - TP HCM bất ngờ phát nổ rồi bốc cháy dữ dội. 30 hành khách trên xe thoát chết trong gang tấc.
Trước đó, rạng sáng 22-5, xe khách của Công ty TNHH Vận tải Sơn Quy (Hà Tĩnh) và xe khách Phương Trang đã tông nhau, bốc cháy dữ dội trên Quốc lộ 1 (thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Một xe tải chạy phía sau không xử lý kịp đã tông vào, gây tai nạn liên hoàn. Vụ tai nạn thảm khốc này làm 12 hành khách chết cháy tại chỗ, 1 người tử vong ở bệnh viện, 39 người bị thương.
Chiều 23-4, gần ngã ba đường Thùy Vân - Phan Chu Trinh (phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một xe khách giường nằm đã bốc cháy khi đang dừng. Toàn bộ ghế ngồi của tài xế, tivi và nhiều giường nằm bị thiêu rụi.
Thời tiết nắng nóng ở các tỉnh, thành miền Bắc những ngày gần đây cũng góp phần khiến nhiều ô tô bốc cháy dữ dội hơn. Ngày 15-6, ở cầu vượt Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, một xe con đang chạy bỗng bốc cháy dữ dội. Trước đó 4 ngày, chiếc taxi của hãng Hoàn Kiếm khi chạy đến cầu Quán Lát (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) thì bốc cháy. Nhiều người dân kể chiếc taxi này có nhiều rơm mắc dưới gầm cách địa điểm cháy khoảng 500 m.
Ông Nguyễn Hữu Trí cho rằng tình trạng ô tô liên tục phát nổ, bốc cháy thời gian qua chủ yếu là do người sử dụng. Theo đó, chủ phương tiện đã không chăm sóc xe định kỳ, không kiểm tra xe hằng ngày trước khi xuất phát để phát hiện các sự cố cần thiết. Thậm chí, có chủ xe để các bình chứa xăng, dầu trên nắp động cơ nên dễ phát sinh nhiệt. Nhiều người sau khi mua xe, sử dụng được thời gian ngắn đã tự ý lắp thêm các thiết bị như thùng đá, tivi, đầu đĩa... với hệ thống dây điện không đạt chuẩn gây quá tải hệ thống điện, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy.
Các xe khi thiết kế đều có các vật liệu chống cháy như tấm xốp, vách ngăn. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, sửa chữa, các chủ xe đã thay thế bằng vật liệu khác không bảo đảm.
Kiểm soát các đơn vị lắp ráp
Trước ý kiến cho rằng cơ sở đăng kiểm xe phải nhận một phần trách nhiệm khi cháy, nổ xảy ra, đại diện Cục Đăng Kiểm Việt Nam thừa nhận việc bảo đảm an toàn của phương tiện là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm. Tuy nhiên, khi xảy ra cháy nổ, việc cấp bách là tìm ra nguyên nhân. Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn đang trực tiếp điều tra, theo dõi các vụ xe cháy, nổ.
Trên thực tế, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đã quy định rõ ràng: muốn hạn chế tình trạng cháy, nổ thì chủ phương tiện phải bảo hành, bảo dưỡng thường xuyên. Chủ xe cần hướng dẫn thoát hiểm cho hành khách trước khi xuất bến như chỉ dẫn về các cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm, vị trí đặt bình cứu hỏa, sử dụng búa phá cửa khi xảy ra sự cố...
Riêng ý kiến cho rằng hầu hết xe cháy là sản phẩm lắp ráp nội địa, Cục Đăng Kiểm Việt Nam khẳng định không thể phân biệt xe sản xuất, lắp ráp trong nước hay nhập khẩu vì đều được kiểm soát bởi cùng một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trong thời gian tới, các trung tâm đăng kiểm sẽ kiểm soát chặt những xe lắp ráp thêm thiết bị điện, “độ” lại gầm hàng. Nếu phát hiện thiết bị lắp thêm không theo đúng thiết kế của nhà sản xuất, Cục Đăng kiểm sẽ yêu cầu chủ xe tháo dỡ để trả lại nguyên trạng phương tiện.
Để bảo đảm an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy, nổ, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai đến tất cả trung tâm đăng kiểm, yêu cầu tăng cường kiểm soát các phương tiện có các kết cấu dẫn đến nguy cơ cháy, nổ, đặc biệt là các hành vi tự ý lắp đặt thêm kết cấu, thiết bị không theo thiết kế của nhà sản xuất.
“Các phương tiện chở chất dễ cháy, nổ cần được khuyến cáo, tuyên truyền, hướng dẫn về cách thức vận chuyển để người dân biết nhằm hạn chế các nguyên nhân gây cháy. Đặc biệt thận trọng khi lái xe qua các khu vực có nhiều rơm, rạ phơi trên đường hoặc có nhiều rác dễ cháy như giấy, túi ni-lông, cỏ khô. Chỉ mua nhiên liệu từ các trạm có uy tín về chất lượng; không tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu trôi nổi trên thị trường” - một cán bộ đăng kiểm nhấn mạnh.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ ngày 1-1-2017, cơ quan đăng kiểm sẽ kiểm soát việc lắp ráp đồ nội thất của xe như ghế đệm, vách ngăn ngay từ khâu sản xuất. Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để xác định toàn diện, đầy đủ căn cứ, cơ sở khoa học về nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô và xe máy. Trong đó, tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của phụ gia nhiên liệu và nhiên liệu đến các vật liệu làm chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu trong phương tiện giao thông; đánh giá khả năng gây cháy của các kết cấu, vật liệu. Đặc biệt, cục sẽ đánh giá các nguyên nhân từ thao tác kỹ thuật vận hành, môi trường và địa điểm tổ chức bảo quản phương tiện đến khả năng gây cháy.
“Hiện tượng cháy nổ vẫn diễn ra, các cơ quan đang nghiên cứu các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Người dân nên đề phòng cháy nổ, tuân thủ phương pháp vận hành và sử dụng phương tiện đúng cách… Cục Đăng kiểm Việt Nam đang rà soát toàn bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng tăng cường kiểm soát phương tiện” - một đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết. Theo ông, chủ phương tiện cần dùng xe đúng cách, tạo thói quen chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ, không tự ý thay đổi kết cấu xe; sử dụng và thay thế các phụ tùng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhất là phụ tùng liên quan trực tiếp đến các bộ phận có nguy cơ gây cháy...
Xe thiết kế sao, cứ thế mà chạy!
Theo một chuyên gia giao thông, không chỉ ô tô giường nằm mà tất cả các phương tiện, khi chế tạo, nhà sản xuất đã tính toán kỹ lưỡng nên nếu có lỗi thì cũng rất nhỏ.
“Ở nước ngoài, người ta thiết kế xe cụ thể và người sử dụng cứ thế mà dùng. Còn ở Việt Nam thì trong quá trình sử dụng, do sự tiến bộ của công nghệ nên hôm nay gắn thêm cái này, ngày mai gắn thêm cái khác, bảo sao không cháy? Thiết kế ô tô thì hệ thống điện đều khép kín nhưng sau một thời gian sử dụng, chuột, dán chui vào cắn làm hở mạch điện dẫn đến chập cháy” - vị này nhận xét.
Trong khi đó, ông Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, đề xuất: “Cần quản lý các nhà xe, kiểm tra an toàn ngay trước khi xe xuất bến để tránh cháy nổ. Các đơn vị vận tải nên thành lập một bộ phận giám sát và kiểm tra kỹ thuật xe để phát hiện kịp thời các sự cố cần thiết”.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:
Loại trừ yếu tố nhiên liệu
Nguyên nhân dẫn đến cháy xe đều do quản lý, bảo trì phương tiện như để chập điện từ dây điện hở, nguồn nhiệt gần với khu nhiên liệu dẫn đến phát cháy nguồn nhiệt và lan sang nhiên liệu.
Những vụ cháy gần đây chủ yếu do ý thức của người quản lý, bảo trì và tài xế là chính. Với xe tải và xe khách, điều kiện chống kích nổ của nhiên liệu rất tốt. Vì thế, nguyên nhân cháy xe xuất phát từ nhiên liệu không đạt chuẩn như gần đây dư luận phản ánh gần như bị loại bỏ.
TS Vũ Thế Sơn, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM:
Siết chặt đăng kiểm, thiết kế xe
Cần xem lại nhiều vấn đề vì thời gian gần đây, tình trạng cháy nổ xe lại tăng mạnh, nhất là vấn đề nhiên liệu có đạt chất lượng hay không.
Đối với ô tô, đặc biệt là xe giường nằm, nên sử dụng bộ ngắt điện. Khi hành khách trên xe đã ngủ thì tắt nguồn điện này mà các phần khác như động cơ vẫn hoạt động bình thường. Ở khu vực bình điện, trước khi rời khỏi xe cần tắt toàn bộ thiết bị điện để tránh xảy ra sự cố. Nếu chở xe máy thì phải xả xăng, cắt các thiết bị dễ chập điện trước khi đưa lên thùng. Đặc biệt, cần nghiêm cấm vận chuyển các mặt hàng nguy hiểm như pháo, cồn, dầu, nhớt. Riêng xe giường nằm không nên vận chuyển xe máy. Ngoài ra, cần xem xét đến yếu tố hành khách vì nhiều người có nhu cầu sử dụng nguồn điện cho các thiết bị cá nhân hoặc đọc sách báo.
Ông Lê phương, chủ xe chạy tuyến Bắc - Nam:
Biết nguy hiểm vẫn phải làm
Việc gắn các thiết bị như tivi, tủ đá, dàn nhạc trên xe là cần thiết theo nhu cầu của hành khách nên dù biết có nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn phải gắn. Tuy vậy, nguồn điện trên xe để sử dụng các thiết bị này được gắn riêng chứ không gắn với các nguồn điện của động cơ. Khi có sự cố là tắt ngay, để không xảy ra cháy nổ. Theo tôi, nguyên nhân cháy xe không phải do chập điện mà rất có thể do nguồn nhiên liệu không bảo đảm bởi việc gắn các thiết bị này vốn đã có từ lâu, sao thời gian gần đây mới cháy liên tục?
Mặt khác, xe quay đầu liên tục, thỉnh thoảng mới nghỉ một ngày nên tài xế, lơ xe cũng tranh thủ để làm việc riêng. Trong quá trình sử dụng, nếu xe có vấn đề gì thì tài xế sẽ xử lý ngay trên đường.
Bình luận (0)