icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở cửa chào nhau

Nguyễn Minh Hòa

Sinh thời, cụ Sáu Giàu (GS Trần Văn Giàu) gọi tất cả những ai sống và làm việc ở TPHCM đều là "người Sài Gòn", không phân biệt Bắc, Trung, Nam.

Chỉ có điều, cụ chia làm hai loại: Ai cư trú vài chục năm thì gọi "người Sài Gòn cố cựu", còn mới di cư đến là "người Sài Gòn mới". Theo cụ, người Sài Gòn mới chỉ thấy thành phố hoành tráng, náo nhiệt ở bề nổi; còn người Sài Gòn cố cựu mới thấm được tiến trình biến đổi lâu dài của thành phố.

Thế nhưng, có một sự thay đổi rất ý nghĩa mà ngay cả người Sài Gòn cố cựu nếu không để ý sẽ khó nhận thấy, bởi nó diễn ra chậm rãi, gần gũi và không ồn ào.

img
Công viên trước Nhà hát thành phố

Trước năm 1990, hầu như tất cả công sở, trường học, nhà dân ở Sài Gòn đều kín bưng. Mỗi đơn vị ở (khái niệm chỉ công trình xây dựng dân dụng) dù của tư nhân hay công cộng đều được xây dựng theo xu hướng phòng thủ rất kỹ càng. Có thể đó là di sản của chiến tranh, có thể do lo sợ trộm cắp, cũng có thể đơn giản không muốn người khác tò mò nhìn vào nên nhà cửa, công sở luôn bít bùng, kín cổng cao tường. Tình trạng phòng thủ này cũng diễn ra ở các nơi không gian công cộng dành cho nhiều người như công viên, vườn dạo, kể cả nhà thờ, chùa chiền.

Sau năm 1990, tình hình đổi khác. Dường như cả thành phố chuyển dần từ xu hướng đóng sang mở trên mọi lĩnh vực, cố nhiên có cả không gian sống. Trường học liên doanh hoặc nước ngoài đầu tư trực tiếp, công sở, văn phòng các công ty đa quốc gia, nhà hàng, khách sạn... lần lượt mở không gian sống ra với xã hội. Những bức tường xây xám xịt được phá bỏ, thay thế bằng các hàng rào làm từ những thanh gỗ hoặc sắt thanh mảnh.
Chúng  được thiết kế mềm mại và tạo ra sự thông thoáng. Hàng rào không chỉ để bảo vệ, khẳng định chủ quyền mà còn mang thêm chức năng nghệ thuật, dường như chỉ mang tính quy ước nên rất đa dạng. Nhiều nhà hàng có hàng rào được trồng bằng tre, trúc. Có công sở lại đặt các bồn hoa, cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ phía sân trước sát vỉa hè để xác định ranh giới. Rất nhiều công sở, cao ốc còn bỏ hẳn hàng rào, làm cho không gian riêng - chung liên thông nhau trong một khung cảnh hài hòa, linh hoạt.
Hiệu ứng "open" (mở) cũng lan dần tới không gian công cộng. Các hàng rào công viên được phá bỏ cho mọi người tự do ra vào. Tiếp đó, các cơ quan Nhà nước cũng dỡ bỏ rào chắn. Cuối cùng, quá trình mở lan tỏa tới nhà dân, nhất là khu vực trung tâm thành phố. Mọi người nhận thấy khi không gian của mỗi đơn vị ở mở ra thì có nhiều chuyện thật thú vị.
Một không gian nhỏ khi mở ra với xã hội lớn cũng là lúc thiên hạ được quyền nhìn vào bên trong khuôn viên, là lúc mà gia chủ định vị danh tính của mình (tên công ty, bảng hiệu, số nhà) qua trình diễn và sắp đặt. Đóng kín mít thì sao cũng được nhưng khi mở ra thì đó lại là bản mặt (sĩ diện) của gia chủ, do vậy ai cũng cố chăm chút cho nó đẹp hơn. Nhiều mặt tiền nhà hàng, khách sạn, siêu thị, công sở, nhà dân được bài trí rất ấn tượng, độc đáo và nghệ thuật.

Cư dân Sài Gòn có xu hướng "không đụng hàng" trong hầu hết các lĩnh vực. Chính vì cố tạo ra "độc bản" mà thiết kế nhà cửa không cái nào giống cái nào. Đó là cái hay của cá tính, của sự tự do nhưng cũng có cái dở khi phần nào hơi lộn xộn. Không gian sống mở bung ra không chỉ có lợi cho môi trường sống, như ánh nắng tràn vào làm nhà cửa khô ráo, gió lưu thông khiến nhà cửa mát mẻ..., mà còn làm cho quan hệ con người thân thiện hơn. Hàng xóm chào nhau mỗi sáng qua hàng rào thưa trước khi đi làm hay thông báo về chuyện phố phường, cơ quan sau một ngày làm việc trở về; các cháu nhỏ chạy qua nhà nhau chơi giúp quan hệ cộng đồng thêm gắn bó.

Mấy năm gần đây, sự trợ giúp của kỹ thuật hiện đại và vật liệu xây dựng mới làm xuất hiện xu hướng mở không giới hạn. Rất nhiều cửa hàng thời trang, cửa hàng lưu niệm, quán xá, thậm chí hồ bơi ở khách sạn... không làm tường bao, vách ngăn bằng vật liệu truyền thống mà thay bằng kính cường lực trong suốt nhìn thông thống từ ngoài đường vào tít bên trong, khiến người ta có cảm giác không còn ranh giới trong - ngoài nữa. Người bên trong gật đầu, cười thân thiện và người bên ngoài vui vẻ đáp lại khi hai bên không hề quen biết.

Ai đó nói Sài Gòn là vùng đất nóng quanh năm nên việc phải mở toang nhà cửa ra đón gió là chuyện tự nhiên. Cũng có thể như vậy nhưng quan trọng hơn, khi người ta quyết định kết nối không gian riêng tư với không gian xã hội một cách tự nguyện, họ đã đặt niềm tin vào chính quyền, vào cộng đồng và yên tâm sinh sống trong một xã hội ngày một tốt hơn, bình yên hơn. Khi nói về TPHCM, bạn bè nước ngoài đều đồng ý với tôi rằng người Sài Gòn thật dễ mến.

Đến Tết này, tôi đã sống ở Sài Gòn 41 năm. Không rõ theo cụ Sáu Giàu, tôi đã là người Sài Gòn cố cựu chưa. Chỉ biết rằng khi còn trẻ, tôi rất thích bay nhảy đây đó càng xa càng tốt nhưng nay về già, chỉ rời thành phố một ngày đã nhớ da diết. Bởi lẽ, "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi"!

Khi tự nguyện kết nối không gian riêng tư với không gian xã hội, người ta đã đặt niềm tin vào chính quyền, vào cộng đồng và yên tâm sinh sống

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo