Hiện tượng trên xảy ra tại mỏ khai thác đá khu vực Núi Vạc, xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Đại Thủy (có địa chỉ tại thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định).
Theo phản ánh của người dân, những tấm biển với dòng chữ trên được treo ở khắp các lối ra vào của mỏ đá từ nhiều tháng qua, nếu ai tới khu vực trên quay phim, chụp ảnh đều có người gây khó dễ và không cho ghi hình, ai chống đối sẽ bị chủ mỏ dọa nạt, thậm chí còn bị hành hung.
Ông Mai Tuấn Thành, Chủ tịch UBND xã Định Tăng, xác nhận việc mỏ khai thác đá trên treo biển “cấm quay phim chụp ảnh” là có thật, tuy nhiên ông Thành nói mới biết việc này. “Chiều hôm 24-10, khi về nhà tôi có nghe thông tin bà con xôn xao việc một nhà báo bị chủ mỏ đá trên đuổi đánh. Ngay sau đó tôi đã chỉ đạo công an xã mời ông Lê Đại Thủy (chủ mỏ đá) lên làm rõ việc này. Trong bản tường trình, ông Thủy xác nhận có đuổi theo nam thanh niên, nhưng không có việc hành hung” - ông Thành nói.
Biển cấm được dựng ngay bên đường vào khu vực mỏ đá...
Cũng theo ông Thành, sau khi đi thực tế tại mỏ đá thì thấy đơn vị này có treo biển “cấm quay phim chụp ảnh". “Tôi có hỏi thì ông Thủy nói có nhiều khách không mời mà đến làm phiền nên ông treo biển. Nếu ai muốn quay chụp gì có giấy của địa phương mới cho quay chụp” - ông Thành nói.
Về việc này, ông Lê Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định bất bình cho biết: “Việc cấm quay phim chụp ảnh là do nhà nước quy định chứ doanh nghiệp không được làm việc đó, ngay cả bản thân huyện cũng không được cấm. Đó là khu vực khai thác đá chứ có phải khu vực an ninh, biên giới hay quốc phòng gì đâu. Tôi sẽ chỉ đạo cho tháo dỡ ngay”.
Ông Lâm cho biết đang yêu cầu các phòng ban nhanh chóng làm rõ thông tin một phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại khu vực này. “Tôi mới nghe thông tin một chiều nên sẽ cho kiểm tra lại, nếu đúng sẽ mời công an vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật. Chưa biết đúng sai thế nào, nhưng theo tôi không riêng gì phóng viên báo chí mà với bất cứ người dân nào cũng không được làm thế” - ông Lâm nêu quan điểm.
Trước đó, vào chiều ngày 24-10, phóng viên L.D. của một cơ quan báo chí trung ương thường trú tại Thanh Hóa tới khu vực mỏ đá trên tác nghiệp thì bất ngờ bị truy đuổi, khiến phóng viên sợ quá bỏ xe chạy vào làng nhờ người can thiệp nhưng vẫn bị chủ mỏ đá đuổi kịp giữ lại dọa nạt và hành hung. Hiện vụ việc đã được lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc làm rõ việc này.
Được biết, trước đó vào cuối tháng 1-2015, khi phóng viên Trần Cường của Báo Xây dựng thường trú tại Thanh Hóa tới tác nghiệp tại mỏ đá này cũng bị một số người truy đuổi chặn đầu xe dọa nạt và lấy đi hết máy ảnh, điện thoại và túi xách… Sự việc sau đó được công an vào cuộc, xác định người tịch thu phương tiện tác nghiệp của phóng viên là ông Lê Đại Dương, em trai của chủ mỏ đá này.
Những nơi cấm quay phim chụp ảnh
Tại Điều 2, Quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 6-9-2004 của Thủ tướng Chính phủ có quy định rất rõ về khu vực cấm, địa điểm cẩm gồm:
1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.
2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.
3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia.
4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.
5. Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).
Bình luận (0)