xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở đường cho “dân kiện quan”

NGUYỄN QUYẾT

Khi dân kiện cơ quan nhà nước, cần quy định rõ người được ủy quyền cũng như chế tài trách nhiệm người bị kiện để bảo đảm công lý được thực thi

Tòa cấp tỉnh hay cấp huyện sẽ thụ lý giải quyết những vụ án hành chính, đó là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại buổi thảo luận ở hội trường của Quốc hội (QH) về dự án Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi) ngày 23-6.

Tòa huyện khó xử vụ kiện chủ tịch huyện

Theo dự thảo Luật Tố tụng hành chính, TAND cấp tỉnh xét xử “khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện”. Tuy nhiên, một số đại biểu (ĐB) đặt vấn đề tại sao không tăng cường thẩm quyền cho tòa cấp huyện. “Tất cả dồn lên cấp tỉnh, người dân phải đi rất xa để kiện một vụ án hành chính. Ví dụ, ở Lâm Đồng, từ cấp huyện lên cấp tỉnh gần 300 cây số. Quy định như vậy rõ ràng gây trở ngại cho dân. Tôi đồng ý với quan điểm thẩm quyền xét xử này vẫn thuộc cấp huyện” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu.

Tuy nhiên, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) không đồng tình với quan điểm trên. Theo ĐB Đương, tư pháp càng độc lập với hành pháp bao nhiêu thì càng tốt, nhất là đối với án hành chính. “Dân kiện quan” thường là dân yếu thế hơn. Thực tế chỉ ra nguyên nhân chính mà án hành chính cấp huyện bị hủy nhiều không phải do trình độ mà do ngại va chạm với chính quyền. Vì vậy, tôi đồng ý quy định của dự thảo” - ĐB Đương phân tích.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, dẫn chứng: “Một ông chủ tịch huyện bị kiện, thường là phó bí thư, về mặt lý thuyết là độc lập nhưng về mặt thực tiễn, thẩm phán là đảng viên, có quan hệ lệ thuộc với ông phó bí thư huyện. Để tòa cấp huyện xử vụ kiện ông chủ tịch huyện là khó”.

 

ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị chế tài người bị kiện trong vụ án hành chính nếu cố tình gây khó dễ khiến vụ án kéo dàiẢnh: THẮNG LONG
ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị chế tài người bị kiện trong vụ án hành chính nếu cố tình gây khó dễ khiến vụ án kéo dàiẢnh: THẮNG LONG

 

Chế tài với “quan” không hợp tác

Để ngăn việc ủy quyền tùy tiện, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị luật cần quy định chặt chẽ theo hướng "Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước chỉ được ủy quyền cho cấp phó có liên quan đến lĩnh vực khởi kiện, có chức năng quản lý về lĩnh vực mà người dân khởi kiện. Riêng đối với UBND các cấp, chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch hoặc ủy viên UBND cùng cấp”. Ngoài ra, cần quy định chế tài đối với người tham gia tố tụng không chịu hợp tác, gây khó khăn khiến việc giải quyết vụ án hành chính kéo dài, quá hạn. “Đây là vấn đề cốt lõi, thể hiện sự công bằng giữa bên khởi kiện là người dân và bên bị kiện là đại diện cho nhà nước, khi đã ra tòa là có quyền và nghĩa vụ ngang nhau” - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Về việc thi hành án, theo ĐB Huỳnh Nghĩa, thời gian qua, việc thi hành bản án, quyết định hành chính rất khó khăn, đặc biệt khi tòa án tuyên hủy quyết định hành chính. Thực tế cho thấy việc thi hành án hành chính chưa có luật quy định, chưa xác định được trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự nên trường hợp án có hiệu lực mà người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự cũng không đủ cam đảm cưỡng chế thi hành. Đó là chưa kể hiện nay, chủ tịch UBND thường là trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự. “Nếu UBND cùng cấp phải thi hành bản án thì tất yếu dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Do đó, người dân dù có thắng kiện cũng khó được bảo đảm quyền lợi rồi lại gửi đơn kêu cứu khắp nơi, gây mất lòng tin vào cán cân công lý” - ĐB Nghĩa chỉ ra và đề nghị luật phải quy định chặt chẽ hơn để khắc phục tình trạng trên.

 

Mở rộng trưng cầu ý dân ở địa phương

Cùng ngày, QH cũng thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Một số ĐB tán thành với quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc nhưng đề nghị cần có quy định mở cho trường hợp trưng cầu ý dân ở địa phương. Chẳng hạn, trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì phạm vi toàn quốc, còn những vấn đề về kinh tế vùng miền thì trưng cầu ý dân ở địa phương. “Quyết định liên quan đến đô thị phải là thị dân chứ chúng ta đưa ra lấy ý kiến 63 tỉnh - thành, trong đó đa số là nông dân, sau khi thông qua sẽ còn nhiều vấn đề chưa thỏa đáng” - ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) chỉ rõ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo