Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên - Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - cho biết dự án xây dựng, cải tạo các tuyến đường trong Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên có 2 giai đoạn: giai đoạn 1 mở đường ở vùng đệm nhằm nối từ đường lớn vào đến ban quản lý vườn, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; giai đoạn 2 mở đường trong vùng lõi, kết nối từ ban quản lý vườn đến các trạm kiểm lâm.
Để bảo vệ rừng (?)
Tuyến đường trong vùng lõi dài 18,2 km, rộng 6 m, chạy dọc ven sông Đồng Nai từ Trạm Kiểm lâm Đà Cộ đến Trạm Kiểm lâm Đắc Lua thuộc địa bàn huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Dự án đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường và Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án kỹ thuật - dự toán thi công rà phá bom mìn.
Với lý do cần có con đường, ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho rằng khu vực rừng Đà Cộ có nhiều loại gỗ quý nên là một điểm nóng về phá rừng. “Một kg gỗ hiện nay giá 120.000 đồng, chỉ cần gùi một đêm có thể kiếm được nhiều triệu đồng tiền gỗ nên họ bất chấp tất cả, chủ yếu từ phía bên kia sông Đồng Nai - khu vực Đạ Tẻh (Lâm Đồng) sang. Mình đi đường sông, họ đi đường bộ nhanh hơn nên không bắt quả tang được. Nếu đầu tư con đường thì chúng tôi có thể mật phục để bắt quả tang thì mới có thể xử lý. Có đường giao thông, lực lượng kiểm lâm đi tuần tra cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Đây là tuyến đường vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc bảo vệ rừng” - ông Diện khẳng định.
Cũng theo ông Diện, tuyến đường này nối với di chỉ Cát Tiên, sau này sẽ phát triển thành khu du lịch sinh thái, cũng giảm được áp lực sinh kế cho khu vực.
Theo kế hoạch, thời gian thi công tuyến đường dự kiến từ tháng 10-2015 đến năm 2017 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa triển khai. Nguyên nhân, theo ông Liên, là do một số thủ tục vẫn chưa xong, chẳng hạn việc kiểm đếm số cây, hành lang tuyến... Sau khi hoàn tất các thủ tục này, Ban Quản lý VQG Cát Tiên và Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai trình hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng lên Bộ NN-PTNT để trình Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt. Diện tích rừng phải chuyển đổi gần 11 ha.
Không cần thiết!
Theo ông Trần Thế Liên, khu vực thực hiện dự án nằm trong phân khu hành chính của VQG Cát Tiên. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai lại cho rằng khu vực triển khai làm dự án thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ được lập các tuyến đường mòn rộng không quá 1,5 m. Thông tin Đồng Nai đưa ra thông qua việc đối chiếu với kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng tại tỉnh Đồng Nai, kết quả kiểm kê rừng năm 2011 và quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2020.
Đối với mục tiêu bảo vệ rừng, tỉnh Đồng Nai cho rằng sông Đồng Nai ở đoạn này có nước quanh năm, rất thuận lợi cho công tác tuần tra. Cho nên, việc mở tuyến đường song song với sông Đồng Nai để phục vụ mục đích quản lý và bảo vệ rừng như Bộ NN-PTNT đưa ra là không cần thiết.
Bên cạnh đó, theo tỉnh Đồng Nai, việc mở đường tuy không liên quan đến công tác ổn định dân cư trong lâm phận VQG Cát Tiên nhưng sẽ làm mất gần 11 ha rừng, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, chia cắt rừng tự nhiên với sông Đồng Nai, làm mất đi sinh cảnh của rừng, gây cản trở đến tập tính hoạt động của các loài thú, nhất là trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn và nguồn nước uống. VQG Cát Tiên nằm trong vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã được UNESCO công nhận và đang trong thời gian hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận VQG Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới. Nếu mở đường sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của Cát Tiên và không phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Do vậy, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét lại việc mở tuyến đường nói trên. Trong thời gian này, đề nghị chưa triển khai dự án.
Trước đây, khi bàn về quy hoạch 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chủ đầu tư cũng cho rằng việc mở những con đường giao thông vào dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng. Thế nhưng, ý kiến này bị chính lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên và các nhà bảo tồn phản đối vì đường giao thông thuận lợi sẽ giúp lâm tặc dễ dàng tiếp cận rừng và vận chuyển gỗ lậu, động vật hoang dã... điều này càng làm tăng nguy cơ cho VQG Cát Tiên và gánh nặng cho lực lượng kiểm lâm.
Khu hành chính hay khu bảo vệ nghiêm ngặt?
Ông Trần Thế Liên cho biết sau khi nhận được ý kiến của tỉnh Đồng Nai, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức đoàn khảo sát khu vực dự kiến thực hiện dự án. Tuyến đường này không phải phóng thẳng mà tính toán để đi qua các khu vực trạng thái rừng ít ảnh hưởng nhất nên ảnh hưởng tính đa dạng sinh học của khu vực dự án không cao. Về kỹ thuật, đường chỉ đổ nhựa, không tôn nền, không che chắn biển báo nên thú rừng vẫn có thể băng qua để ra sông Đồng Nai uống nước.
Ông Liên cũng thông tin thêm: Năm 2010 khi lập quy hoạch cho VQG Cát Tiên, trong đó có lập hướng tuyến con đường này, Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cũng đã có văn bản trả lời rằng tuyến đường này phù hợp với hệ thống giao thông của Đồng Nai.
Riêng vấn đề khu vực dự án nằm ở phân khu dịch vụ hành chính hay phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, ông Liên giải thích theo quy hoạch bảo tồn và phát triển VQG Cát Tiên giai đoạn 2010-2020 thì tuyến đường nằm trong khu vực hành chính nhưng theo quy hoạch 2 loại rừng của tỉnh Đồng Nai thì nằm trong khu vực bảo tồn nghiêm ngặt. Quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Đồng Nai thực hiện sau, lẽ ra phải tham khảo, cập nhật kết quả quy hoạch tổng thể VQG Cát Tiên đã lập trước đó nhưng đơn vị thực hiện không làm như vậy nên mới có sự không thống nhất. Ông Liên khẳng định dự án sẽ tuân theo quy hoạch tổng thể VQG Cát Tiên vì quy hoạch này làm trước và chi tiết hơn.
Còn về hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới, ông Nguyễn Văn Diện cho biết chỉ lập hồ sơ đề cử 8.000 ha (trong tổng số 72.000 ha toàn vườn) xung quanh khu Bàu Sấu. Khu vực thực hiện dự án cách Bàu Sấu khoảng 10 km đường chim bay nên không nằm trong khu vực đề cử di sản và không ảnh hưởng đến đề cử.
Bình luận (0)