Xuất phát từ những buổi họp dân vắng người dẫn đến việc các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước không tới được người dân, ông Võ Quốc Kỳ (56 tuổi, tổ phó tổ dân phố 1, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã quyết định trở thành một mõ làng.
Sáu năm làm chuyện chẳng giống ai
Một buổi chiều mưa đầu tháng 6, chúng tôi về tổ dân phố 1 để tìm gặp ông mõ làng. Vừa đến đầu tổ dân phố, lời bài hát Gần lắm Trường Sa vang vọng khắp nơi. Lần theo tiếng hát, chúng tôi gặp ông Kỳ đang chạy chiếc xe Honda cũ kỹ, chở theo dàn loa và ampli. Bài hát kết thúc, ông dừng xe, tay cầm micro thông báo: “Alô, alô, bà con chú ý, đúng 19 giờ tối nay, tại hội trường tổ dân phố 1 diễn ra cuộc họp liên quan về việc tiêm phòng cho trẻ, bà con nhớ đi đúng giờ”. Cứ như vậy, hết âm nhạc đến tin tức các thể loại, sau khoảng 1 giờ, ông Kỳ mới xong việc để trò chuyện với chúng tôi.
Ông Nguyễn Như Khiết gắn đời làm trưởng thôn với chiếc loa phóng thanh của mình
Được bầu làm tổ phó tổ dân phố 1 từ năm 2002, ông Kỳ rất tâm tư khi các buổi họp tổ luôn vắng người. “Hồi tôi còn bé, mỗi lần xóm làng có việc gì cần thông báo đều có một người cầm mõ đi gõ khắp các hang cùng ngõ hẻm để thông báo. Mỗi lúc nghe tiếng mõ, người dân đều tự động đến hội trường làng để họp. Thế là tôi quyết định làm một mõ làng thời hiện đại”.
Hôm nào vắng tiếng “alô” của ông Võ Quốc Kỳ là người dân tổ dân phố 1, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông lại thấy nhớ
Trong 6 năm xách loa đi “alô”, ông Kỳ rao đủ loại thông tin, từ y tế đến sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống tội phạm, thiên tai… Ông Kỳ không nhớ mình đã rao bao nhiêu bản tin, chỉ biết những lúc có tin cần thông báo, bất cứ mưa hay nắng, ông đều chạy xe khắp nơi để loan báo. Ông cũng chẳng nhớ mình đã đổ bao nhiêu lít xăng, uống bao nhiêu viên thuốc đau họng khi làm việc “alô” này vì ông làm việc vì cái tâm, mà đã là cái tâm thì không tính toán thiệt hơn.
Vắng “alô” là thấy nhớ!
Thời gian đầu làm công việc chẳng giống ai, ông Kỳ gặp vô số lời bàn tán; nhiều người khen nhưng cũng lắm người chê là thừa xăng, rảnh rỗi, thậm chí ngờ vực “ông này ăn tiền của dân hay sao mà có nhiều tiền để đổ xăng chạy lòng vòng suốt ngày như vậy”. Dù vậy, ông vẫn không ngại điều tiếng mà cứ cặm cụi làm cái việc chẳng giống ai với niềm tin “có ngày người ta cũng hiểu thôi”. Ông Kỳ nhớ lại: Trong một chiều đi thông báo, ông gặp nhóm thanh niên ngồi chặn ngang đường rồi chửi bới và đòi đập loa vì gây ồn ào. Sau khi ông giải thích một hồi thì nhóm thanh niên xin lỗi rối rít. Một lần khác, ông đi tuyên truyền về dịch sốt xuất huyết rồi hướng dẫn người dân các phương pháp phòng ngừa cụ thể. Sáng hôm sau, đi một vòng khu phố, ông thấy nhiều gia đình đang phát quang bờ bụi, dọn dẹp cống rãnh. “Đó là niềm động viên, khích lệ tôi đeo bám công việc mõ làng suốt 6 năm qua” - ông Kỳ tâm sự.
Hơn 6 năm ông Kỳ làm “mõ làng”, không chỉ mọi nghi ngại của người dân đã tan biến mà hình ảnh người cán bộ tổ dân phố tận tụy trở nên không thể thiếu. “Từ ngày có ông mõ, người dân chúng tôi nắm bắt được rất nhiều thông tin bổ ích, thỉnh thoảng ông mõ ốm hay bận việc gì đó không “alô” là chúng tôi thấy nhớ” - bà Phạm Thị Châu, người dân tổ dân phố 1, nói.
Cũng làm cái việc không giống ai như ông Kỳ nhưng trưởng thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - ông Nguyễn Như Khiết - được người dân đặt cho cái tên hiện đại hơn: “Ông Khiết phóng thanh”.
Sinh ra ở một làng nghèo ven biển, ông Khiết thấu hiểu được những hạn chế của người dân khi tiếp nhận thông tin thời sự cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Năm 2006, sau khi thôi làm việc ở xã về nghỉ hưu, được bà con bầu làm trưởng thôn, ông liền trích ra 3 tháng lương mua dàn loa - ampli để bắt tay ngay vào việc cập nhật tin tức cho bà con.
Từ đó đến nay, hằng ngày ông Khiết dậy sớm, chở bộ phát thanh lên chiếc xe máy rồi chạy đến từng cụm dân cư để đọc tin tức. Nội dung không chỉ lấy trong các văn bản của nhà nước, ông Khiết còn chịu khó thu thập tin trên báo đài để làm phong phú nội dung.
Bà Đỗ Thị Nhờ, một người dân thôn Tỉnh Thủy, cho biết người dân ở thôn đã quen với tiếng loa phát thanh của ông Khiết mỗi ngày. Khi nào ông Khiết bận việc không đi phát thanh được là người dân cảm thấy trống vắng. “Nhờ ông Khiết mà những thông tin thời sự và chủ trương của nhà nước đến với người dân chúng tôi rất kịp thời. Nhất là mỗi khi có bão lụt, ông Khiết đưa tin rất nhanh, qua đó chúng tôi nắm được tình hình, kịp thời ứng phó” - bà Nhờ nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-7
Kỳ cuối: Chuyên gia gỡ rối
Biên tập viên bất đắc dĩ
Ngoài làm “phát thanh viên”, để người dân tiếp nhận hiệu quả nội dung của việc “alô”, ông Võ Quốc Kỳ kiêm luôn nhiệm vụ “biên tập viên”. Thời gian đầu, mỗi lần đi thông báo, ông Kỳ cứ cầm văn bản đọc nội dung từ đầu đến cuối. Việc này không chỉ mất thời gian mà người dân khó tiếp nhận. Ông nghiệm ra là để người dân có thể nghe, hiểu, nhớ lâu, mỗi bản tin phải ngắn và quan trọng lúc thông báo phải như đang nói chuyện thì người nghe mới dễ tiếp nhận. Thế là trước khi mang loa đi, ông đều đọc kỹ nội dung văn bản, sau đó chắt lọc những thông tin mấu chốt rồi diễn đạt bằng lời của mình.
Bình luận (0)