Sáng 11- 8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM về tình hình triển khai các dự án giao thông đô thị tại khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái.
“Tôi sẽ thường xuyên đôn đốc”
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết công suất khai thác hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt quá quy hoạch 25 triệu lượt hành khách/năm. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng hành khách qua sân bay đạt khoảng 16 triệu (tăng 31% so với cùng kỳ năm 2015) nên dự báo đến hết năm nay sẽ lên tới con số 31 triệu lượt. “Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải từ trên trời cho đến nhà ga và cả các tuyến đường bộ kết nối xung quanh” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ có 51 vị trí đỗ máy bay nên ở một số khung giờ cao điểm, nhiều chuyến bay đi và đến bị kéo dài thời gian lăn ra hoặc lăn vào. Thậm chí, nhiều chuyến phải bay vòng, chờ trên bầu trời gần 1 giờ và có thời gian cao điểm lên đến 8-9 chuyến bay phải chờ. “Tình trạng này không chỉ làm giảm chất lượng dịch vụ các chuyến bay và hiệu quả khai thác của các hãng hàng không mà còn tăng khí thải ra môi trường” - ông Thanh nêu thực trạng.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất đang trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ga quốc nội. Trong khi đó, hiện chỉ có một lối ra vào sân bay trên đường Trường Sơn nhưng tuyến đường này lại thường xuyên bị ùn ứ do lượng xe tăng cao. Do đó, giải pháp trước mắt là phải tổ chức lại giao thông qua khu vực này nhằm hạn chế lượng phương tiện trên đường Trường Sơn nhưng không vào sân bay.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cũng thừa nhận tình trạng ùn ứ ở các tuyến đường kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất đang có dấu hiệu bùng phát, đặc biệt là đường Trường Sơn mà nguyên nhân chủ yếu do lượng xe tăng đột biến. Trước mắt, Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phân luồng, tổ chức giao thông trên tuyến đường. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho thực hiện cơ chế cấp bách xây cầu vượt thép tại nút giao Trường Sơn - Hồng Hà và vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất kẹt trên không nhưng nguyên nhân chủ yếu do quá tải dưới mặt đất. Trong khi chưa giải quyết hết những bất cập hiện hữu, Bộ GTVT phải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam phối hợp Bộ Quốc phòng và các cơ quan chuyên môn bảo đảm tuyệt đối an toàn các chuyến bay, kể cả dân dụng và quân sự; hạn chế tối đa việc phải bay chờ trên bầu trời. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức tốt giao thông ở các tuyến đường kết nối, không để xảy ra ùn tắc khi ra vào sân bay. Đặc biệt, tìm các nhà đầu tư và đầu tư bằng nhiều hình thức để thực hiện tối ưu các biện pháp mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. “Các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng cần phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng nghiên cứu nguồn vốn cho việc đầu tư giao thông, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với mục tiêu càng sớm càng tốt. Tôi sẽ thường xuyên đôn đốc vấn đề này” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Triển khai nhiều dự án
Ông Bùi Xuân Cường cho biết hiện cơ sở pháp lý quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tương đối đầy đủ. Hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông TP đã đầu tư xây dựng đường bộ với các đường xuyên, hướng tâm, vành đai, cao tốc đô thị. Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế hiện nay, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng đủ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở một số khu vực. Trong đó, cảng Cát Lái ngày càng trở nên trầm trọng. Bộ GTVT đang xây dựng nút giao thông An Phú để kết nối với đường ra vào cảng, đồng thời có một số dự án và giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ ở đây. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang thực hiện nhiều dự án, trong đó 2 dự án có thể triển khai ngay là cầu vượt trên đường Phạm Văn Đồng và cầu vượt Trường Sơn để nối vào cảng hàng không quốc tế. “Sân bay Tân Sơn Nhất do quá trình tăng trưởng rất nhanh của ngành vận tải hàng không nên quy hoạch không sát. Trong khi đó, sân bay Long Thành đến năm 2025 nếu thuận lợi mới đưa vào khai thác ở giai đoạn 1. Do đó, phải tập trung giải quyết bài toán hạ tầng, nếu không thì đây là nút thắt rất lớn khiến kinh tế Việt Nam nói chung và TP sẽ bị đe dọa” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có chuyến khảo sát tại nhà ga ngầm Nhà hát TP thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Báo cáo Phó Thủ tướng, đại diện Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP cho biết gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm Nhà hát TP đến ga Ba Son), khối lượng thực hiện tổng thể đạt 35%. Cụ thể, đã hoàn tất sàn mái, sàn B1 ga Nhà hát TP, đang tiếp tục triển khai thi công sàn B2, đào đất, thi công cọc chống chủ Kingpost của ga Ba Son và đào đất thi công đoạn hầm đào hở. Gói thầu số 1a (xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và ứng thầu, dự kiến khởi công vào tháng 10-2016. Riêng gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1 km từ ga Ba Son đến địa bàn tỉnh Bình Dương), khối lượng tổng thể đạt khoảng 58%, Dự kiến hoàn thành gói thầu năm 2018, khai thác vận hành vào cuối năm 2020…
Khai thác sân đỗ máy bay quân sự
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết đã thống nhất phương án để Bộ GTVT đầu tư mở rộng, khai thác sân đỗ máy bay quân sự cho hoạt động hàng không dân dụng tại khu đất 21,3 ha phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác phối hợp với Bộ Quốc phòng, thống nhất phương án đề xuất đầu tư hạ tầng, khai thác sân đỗ. Khi khu đất này được quy hoạch làm sân đỗ máy bay với 30 vị trí đỗ cùng việc mở rộng sân đỗ máy bay ở phía Bắc (khoảng 8 vị trí), sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt khoảng 90-100 vị trí đỗ, nâng công suất phục vụ cho khoảng 40 triệu lượt hành khách/năm.
Bình luận (0)