Ngày 10-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận
Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, UBND tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung nghị định, thông tư liên quan, xem xét rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh đó, Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để TAND xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời gian này, phải bảo đảm an toàn cho đối tượng theo quy định của pháp luật. Chính phủ, TAND Tối cao tiến hành đánh giá thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật có liên quan để khi cần thiết trình QH xem xét sửa đổi những quy định không phù hợp.
Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của Ủy ban Thường vụ QH, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ về Tờ trình 772/TTr-UBTVQH13 ngày 9-11-2014 của Ủy ban Thường vụ QH xin ý kiến các vị đại biểu (ĐB) QH về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đến 9 giờ 30 phút ngày 10-11, đã có 280 ĐB đồng ý, 6 ĐB không đồng ý đưa nội dung này vào dự thảo nghị quyết.
Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân
Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Huỳnh Thành Lập bày tỏ sự phấn khởi khi QH biểu quyết thông qua đề xuất của Đoàn ĐBQH TP về vấn đề cai nghiện. “Đề xuất của TP HCM là phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, cử tri TP bức xúc trước sự lộng hành của nhiều người nghiện trên địa bàn khi công khai hút chích, ngang nhiên thách thức pháp luật, gây bất an cho xã hội”’ - ông Lập nói.
Theo ông Lập, HĐND TP HCM đã có kế hoạch chi tiết, lập Ban Chỉ đạo, xây dựng quy chế hoạt động của trung tâm, chuẩn bị đội ngũ để triển khai thực hiện ngay nghị quyết. “Đoàn ĐBQH TP sẽ tăng cường giám sát việc triển khai nghị quyết để có hiệu quả cao nhất. Việc tổ chức cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý để chờ tòa án hoàn tất thủ tục đưa người nghiện vào cai tập trung là việc hết sức nhân văn, đồng thời làm gia đình và xã hội an tâm” - ông Lập khẳng định.
Ông Huỳnh Thành Lập cũng kiến nghị các bộ, ngành xem xét rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đặc biệt, TAND Tối cao cần hướng dẫn thủ tục xét xử rút gọn. “Cả hệ thống chính trị TP HCM cùng vào cuộc và sẽ thực hiện nghiêm túc nghị quyết” - ông Lập quả quyết.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết không phải đợi đến khi QH thông qua nghị quyết, TP HCM mới bắt tay vào việc mà TP đã chuẩn bị rất kỹ càng trước đó. Khi tình hình người nghiện diễn biến phức tạp mà có phần nguyên nhân vướng mắc quy định pháp luật, TP HCM đã nhanh chóng đề xuất với QH, Chính phủ. Cùng lúc đó, TP cũng xây dựng đề án Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú (trung tâm). “Đưa người nghiện vào trung tâm, trước hết phải lo chỗ ăn ở, thuốc cắt cơn, y tế để chữa bệnh. Kỳ họp HĐND tới sẽ xem xét để phân bổ ngân sách cho việc này” - bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, dự kiến mức ăn cho người nghiện ở trung tâm tiếp nhận bằng mức ăn của người nghiện tại các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Dự kiến, tối thiểu chi 4 triệu đồng/người trong thời gian ở trung tâm tiếp nhận. TP cố gắng rút thời gian ở trung tâm này càng ngắn càng tốt, tối đa là 15 ngày thì có quyết định của tòa án. “Tôi tin dù có áp lực, nhiệm vụ rất nặng nề nhưng để làm trong sạch địa bàn, giúp người nghiện có điều kiện cai bài bản, TP HCM quyết tâm từ nay đến Tết Nguyễn đán sẽ giải quyết căn bản tình trạng người nghiện” - bà Tâm khẳng định.
Thực hiện bài bản, thận trọng
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết tạm thời cứ để trung tâm hoạt động một thời gian, sau quá trình vận hành nếu phù hợp, đáp ứng được thực tiễn, hoạt động có hiệu quả thì có thể xem xét thay cho tổ chức xã hội mà Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định. “Mở ra một cơ chế để nghiên cứu thực tiễn, quá trình vận hành sẽ đánh giá, tổng kết, lúc đó xem xét có phải sửa luật hay không. Trong quá trình làm luật, có những điều không đi vào cuộc sống. Vì vậy, vấn đề là không phải cố gắng áp đặt mà từ thực tiễn đó, chúng ta đánh giá xem xét, cần thiết thì sửa luật để đi vào cuộc sống tốt hơn” - bà Mai nhìn nhận.
Bà Mai đánh giá TP HCM đã có sự chuẩn bị tốt nhưng cũng đừng vì gấp rút quá mà làm ào ào, phải hết sức thận trọng. “Nghị quyết QH nêu rất rõ là trong thời gian này, phải bảo đảm an toàn cho đối tượng theo quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa các cơ quan, địa phương trong quá trình thực hiện phải hết sức bài bản, thận trọng để người dân được an tâm” - bà Mai nhắc nhở.
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ
Theo quyết định mà UBND TP HCM vừa ban hành, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận là Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện đề án Quản lý người nghiện ma túy trong thời gian chờ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phó trưởng ban chỉ đạo gồm các ông Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH); Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, cùng một số lãnh đạo sở - ngành khác.
Ngoài ra, để chuẩn bị triển khai đề án, UBND TP đã chỉ đạo một số cơ quan chức năng cùng Sở LĐ-TB-XH và Lực lượng TNXP khẩn trương khảo sát, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu và Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giải quyết việc làm Nhị Xuân. Qua đó, đối chiếu với các quy định pháp luật, dự trù kinh phí đầu tư, sửa chữa, bảo đảm các phòng - ban chức năng, điều kiện chăm sóc, điều trị...; bố trí các phòng chức năng phù hợp để TAND các quận, huyện tiếp xúc, làm việc với người nghiện ma túy và mở phiên tòa lưu động (tại chỗ) áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đồng thời, chủ tịch UBND các quận, huyện phải tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các phường, xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xử lý đối với người nghiện ma túy trên địa bàn. V.Lê
Tạo sự khởi đầu mới
Ngày 10-11, Trung tâm Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 thuộc Lực lượng TNXP TP HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập (1999-2014).
Tại buổi lễ, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP HCM Nguyễn Công Khánh nhấn mạnh: “Các cơ sở cai nghiện ma túy của lực lượng TNXP TP không chỉ làm công tác cắt cơn cho người nghiện mà thông qua việc giáo dục, đào tạo và chữa bệnh, người nghiện và sau cai nghiện còn được tham gia lao động, sản xuất, học nghề để có thể tạo cho mình một sự khởi đầu mới tốt hơn sau khi kết thúc thời gian chữa bệnh tại đây”.
Trong 15 năm thành lập và phát triển, với năng lực tiếp nhận 2.000 học viên, Trung tâm Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 đã tiếp nhận, giáo dục, chữa bệnh cho 20.000 lượt học viên; giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lượt học viên là người nghiện ma túy theo các diện thu phí, miễn giảm phí và bắt buộc. Ngoài ra, người sau cai nghiện còn được giới thiệu việc làm, tham gia học văn hóa hoặc học nghề. Tin-ảnh: Q.Liêm
Bình luận (0)