Ngày 15-9, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Lo chính sách bị lợi dụng
Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31-12-2020 và mở rộng thêm một số trường hợp. Dự kiến nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết việc điều chỉnh đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ tác động đến ngân sách nhà nước. Trong đó, đối với hộ gia đình và cá nhân, số thuế sử dụng đất nông nghiệp dự kiến được miễn khoảng 34,3 tỉ đồng; số thuế dự kiến được miễn bình quân/người nộp thuế là khoảng 455.390 đồng; diện tích đất dự kiến được miễn bình quân/người nộp thuế là khoảng 0,9 ha…
Ủng hộ miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt so sánh so với số tiền miễn 34,3 tỉ đồng thì số tiền thua lỗ của Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo bằng 100 năm tiền miễn thuế sử dụng đất, còn thất thoát vụ án Ngân hàng Xây dựng của bị cáo Phạm Công Danh bằng 300 năm. Dù vậy, ông Võ Trọng Việt đề nghị cần hết sức quan tâm vì thuế được miễn có thể rơi vào chủ đất và hình thành lớp “địa chủ mới”.
Chia sẻ lo lắng này, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Đỗ Bá Tỵ cho rằng thực tế có tình trạng người dân bán đất rồi làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Đặc biệt, đất nông lâm trường buông lỏng cho thuê, mượn mà nay được miễn thì không công bằng. Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ông Vũ Hồng Thanh - cũng lo lắng với tình trạng “phát canh thu tô”, lợi ích nhóm thì chính sách hỗ trợ có thể bị lợi dụng.
Kết luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH nhất trí sửa đổi, bổ sung đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 4 năm và trình QH tại kỳ họp tháng 10 tới.
Quốc hội không thể “né” Formosa và biển Đông
Cùng ngày, UBTVQH đã họp cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 20-10. Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra và về tình hình biển Đông trình ra QH.
Là cơ quan của QH được giao nhiệm vụ giám sát sau sự cố Fomorsa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) Phan Xuân Dũng cho biết đã kiến nghị với Chính phủ, UBTVQH, QH và nhấn mạnh quan điểm đề nghị Formosa phải hoạt động đúng quy trình thì mới cho tiếp tục hoạt động.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ phải có báo cáo riêng về tình hình biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague - Hà Lan. “Có những vấn đề QH cho rằng nhạy cảm cần cân nhắc kỹ, chỉ cho nghe hoặc báo cáo đến mức nào đó nhưng như thế là hạn chế, hạ thấp vị thế của QH. Vấn đề quan trọng thì đại biểu QH và dân cần phải biết” - ông Chiến nhìn nhận.
Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đến nay, UBTVQH vẫn chưa hình dung tiền bồi thường của Formosa sẽ được sử dụng thế nào. Dân hỏi thì lại lúng túng nên Chính phủ cần báo cáo công khai càng sớm càng tốt.
Chốt lại nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định QH cần phải biết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến đất nước, ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước. Chẳng hạn, Chính phủ cần có báo cáo riêng đầy đủ về sự cố do Formosa gây nên để thảo luận tại kỳ họp thứ 2. Về tình hình biển Đông, cần có báo cáo riêng sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, phản ứng của các nước cũng như giải pháp của chúng ta...
Chính phủ sẽ quyết tiêu chuẩn nhà, xe...
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự thảo luật lần này sẽ điều chỉnh thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, ô tô công từ Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ để nâng cao hiệu lực pháp lý và thực thi trong thực tiễn...
Giải trình các ý kiến, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng tài sản “mềm” là tài sản trí tuệ, tần số, biển số xe đẹp… cũng được quản lý vì nếu biết khai thác, đem đấu thầu sẽ góp phần tăng thu ngân sách rất tốt.
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, dự luật có thể nâng lên thành bộ luật vì bao quát toàn bộ vấn đề tài chính và nợ công quốc gia. “Tài sản các tổ chức chính trị - xã hội quản lý theo quy định, còn tài sản của các ban Đảng thì thuộc tài sản của Đảng” - ông Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bình luận (0)