Thực hiện lời hứa trước HĐND TPHCM về giải quyết vấn đề quy hoạch treo, UBND TP đang rà soát các quy hoạch của TP, trong đó có quy hoạch hẻm, để có phương án tháo gỡ.
Theo quy hoạch lộ giới 6 m, căn nhà 46/13 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1
sẽ bị “xóa sổ” vì chiếm 2/3 chiều rộng của hẻm 46. Ảnh: QUÝ HIỀN
Thiếu kinh phí
Theo Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận 1, năm 1999, UBND quận đã ban hành quyết định công bố lộ giới, trong đó có 580 hẻm. Từ năm 2000 đến nay, UBND quận 1 đã điều chỉnh 144 hẻm và đoạn hẻm, trong đó bãi bỏ quy hoạch hoàn toàn 89 hẻm.
Ông Võ Quốc Hưng, Phó Phòng QLĐT quận 1, cho biết việc bãi bỏ hay điều chỉnh quy hoạch hẻm là để phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế phát sinh đền bù giải tỏa ảnh hưởng đến người dân. Trong thời gian tới, khi người dân có ý kiến về tính khả thi của quy hoạch hẻm thì các phòng, ban chuyên môn của quận sẽ rà soát, xem xét và điều chỉnh nếu thấy không hợp lý.
Tuy nhiên, không phải quận, huyện nào cũng mạnh tay xóa các quy hoạch hẻm không khả thi như quận 1. Quận Bình Thạnh có gần 3.000 con hẻm nằm trong diện phải mở rộng nhưng việc thực hiện đến nay gần như “án binh bất động”. Theo đề nghị mới đây của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, quận Bình Thạnh đã tiến hành rà soát, có thể số hẻm được giữ nguyên hiện trạng không nhiều.
Ông Dương Hồng Thắng, Trưởng Phòng QLĐT quận Bình Thạnh, cho biết việc vận động người dân hiến đất làm hẻm không mấy hiệu quả. Cùng một con hẻm, có gia đình đồng ý nhưng nhiều hộ còn lại không đồng ý hoặc một số hộ diện tích nhà quá nhỏ, nếu hiến đất sẽ không bảo đảm không gian sống, trong khi chính sách hỗ trợ cho họ không có. Còn nếu áp dụng giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư như quy định thì ngân sách không thể kham nổi.
Mỗi năm, TP cấp cho quận Bình Thạnh khoảng 10 tỉ đồng nhưng phải chi cho khá nhiều công trình cấp bách như trường học, bệnh viện… Do đó, về lâu dài, quận Bình Thạnh kiến nghị TP nên có cơ chế và chủ động ngân sách để hỗ trợ thêm cho những hộ tự nguyện hiến đất nhằm san sẻ cùng người dân hoặc bồi thường, tái định cư cho hộ bị giải tỏa trắng, hộ khó khăn...
Tương tự, quận 10 có hơn 1.500 hẻm, trong đó đến 65% rộng dưới 3,5 m. Đặc biệt, nhiều hẻm chiều rộng chỉ từ 1-2 m, đi sâu vào khu dân cư đông đúc, nhà cửa liền kề nhau nên nếu có cháy nổ thì nguy cơ lan cao, lực lượng chữa cháy khó tiếp cận. Theo UBND quận 10, việc quy hoạch lộ giới hẻm chủ yếu phục vụ cho công tác cấp phép xây dựng và chủ quyền nhà đất, còn việc mở rộng thực sự thì chưa thể tiến hành.
Không nên áp đặt
Trong kỳ họp chuyên đề về quy hoạch của HĐND TP mới đây, đại biểu Lâm Đình Chiến cho rằng quy hoạch hẻm là việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ giữa các hộ dân. Do đó, nên để người dân tự bàn bạc và thực hiện: độ dài - rộng, kinh phí bao nhiêu là vừa… Nhà nước không nên áp đặt mà cần hướng dẫn người dân những điều nào pháp luật cho - không cho phép để họ thực hiện.
Đồng quan điểm, một cán bộ Sở QH-KT cho rằng hầu như các quy hoạch trước khi Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực (năm 2010) đều làm theo tính toán, công thức của cơ quan chức năng một cách chủ quan, không lấy ý kiến người dân, dẫn đến một số quy hoạch không phù hợp thực tế, thiếu tính khả thi.
Sở QH-KT vừa có văn bản đề nghị các quận, huyện rà soát, đánh giá các tuyến đường giao thông ảnh hưởng quy hoạch mở rộng, đã công bố lộ giới nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi của người dân.
Trong đó, đề nghị xem xét điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch đối với các tuyến hẻm phát sinh bất cập trong quá trình quản lý, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi cộng đồng dân cư, dựa trên 4 tiêu chí: hẻm ngắn, mật độ dân số thấp, không có tính quan trọng liên khu vực, tập thể người dân đề xuất điều chỉnh vì lợi ích cộng đồng. Phương án xử lý quy hoạch hẻm sẽ được trình UBND TP xem xét, quyết định, đồng thời báo cáo kết quả trong kỳ họp HĐND cuối năm.
Bình luận (0)