Ngày 2-5, tại buổi tiếp và làm việc với các nhà khoa học đến từ các nước: Đức, Mỹ, Israel, các nhà khoa học trong nước… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã đề nghị các nhà khoa học nước ngoài hợp tác với bộ nhằm đáp ứng cấp bách những yêu cầu trước mắt trong công tác điều tra sự cố môi trường khu vực biển miền Trung Việt Nam vừa qua.
"Tôi đề nghị các nhà khoa học nước ngoài vào cuộc tư vấn ngay lập tức cho Bộ TN-MT cũng như hợp tác lâu dài trong công tác bảo vệ môi trường biển của Việt Nam. Đồng thời, tham gia luôn vào việc đánh giá hoạt động của các nhà máy đang xả trực tiếp ra biển Vũng Áng - Hà Tĩnh. Và chúng tôi cũng mong các nhà khoa học tham gia khảo sát quan trắc chất lượng nước biển khu vực này” - ông Hà đặt vấn đề.
Bộ Trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà (thứ 2 từ phải qua) làm việc tại Vũng Áng ngày 28-4 về sự cố môi trường biển - Ảnh: Tiến Hiệp
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng những kinh nghiệm của các nhà khoa học trong việc quản lý dự án quốc gia và quốc tế đối với các vấn đề môi trường, công tác bảo vệ bờ biển, quản lý cảng biển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, khoa học địa chất ven biển, kỹ thuật bờ biển và môi trường bền vững… sẽ là những bổ sung quý báu cho Việt Nam trong việc xác định nguyên nhân sự cố môi trường biển miền Trung.
Các nhà khoa học nước ngoài cũng mong muốn Việt Nam tập trung vào những thông tin của hệ thống cảnh báo trước trong và sau hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua.
GS Roberto Mayerle, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Công nghệ Đại học Kiel (CHLB Đức) cũng đề xuất nếu được các bộ, ngành của Việt Nam đồng ý, phía Trung tâm của ông sẽ đưa thêm chuyên gia, mang thêm các trang thiết bị để giúp Việt Nam điều tra nguyên nhân sự cố môi trường biển vừa qua.
Bình luận (0)