Chẳng phải ngẫu nhiên mà người khổng lồ Samsung lại phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng giới doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức một hội thảo chuyên về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Samsung hiện đầu tư vào một số lĩnh vực tại nước ta, lớn nhất là điện thoại di động với số vốn lên tới 6 tỉ USD. Năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam của Samsung là 23,9 tỉ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và dự kiến tăng lên tới 30 tỉ USD năm nay.
Việt Nam đã trở thành “cứ điểm” sản xuất chính của Samsung trên toàn cầu. Vì thế, tập đoàn này rất muốn có một hệ thống vệ tinh cung cấp các phụ kiện cho “đại công xưởng” của họ tại Việt Nam. Cùng với Samsung, một loạt “ông lớn” điện thoại di động và sản phẩm công nghệ cao như Nokia, Microsoft, Intel, Canon, LG... cũng đang manh nha đầu tư mạnh tại Việt Nam.
Việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đua nhau đổ tiền vào Việt Nam làm nhớ lại thời gian cách đây khoảng 20 năm, khi các nhà sản xuất dệt may ồ ạt đổ bộ vào nước ta để tận dụng những ưu đãi về môi trường đầu tư, giá mặt bằng và nhân công rẻ. Khi đó có rất nhiều ý kiến, chính sách... đưa ra nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, hiện nay không ít nhà sản xuất dệt may đang dần rút khỏi nước ta để chuyển tới các thị trường có nhiều ưu đãi hơn thì công nghiệp phụ trợ dệt may vẫn rất èo uột; có khi cái cúc áo, sợi chỉ cũng phải đưa từ nước ngoài về.
Đã có nhiều bài học, kinh nghiệm rút ra để lý giải cho sự phát triển quá chậm chạp của công nghiệp phụ trợ: Từ chính sách thiếu kiên quyết, chưa đủ sức hấp dẫn... tới hạn chế của doanh nghiệp trong nước. Hội thảo về phát triển công nghệ phụ trợ của Samsung không nói nhiều về nguyên nhân hay khuyến nghị vĩ mô thường thấy mà tập trung thẳng vào việc xây dựng một mô hình cụ thể của doanh nghiệp “vệ tinh” công nghiệp phụ trợ cho Samsung. Từ hoạt động thực tiễn của mô hình này, thấy bí ở đâu, tắc chỗ nào sẽ tháo gỡ ngay.
Song cần phải thừa nhận là doanh nghiệp trong nước hiện vừa yếu về vốn, công nghệ, trình độ quản lý lại vừa không mặn mà với đầu tư sản xuất phụ trợ bởi lợi nhuận không cao, thời gian hoàn vốn lâu. Thế nên, công nghiệp phụ trợ là “chiếc bánh” ngon nhưng nếu doanh nghiệp trong nước vẫn không thực sự vào cuộc thì có nguy cơ lại để dùng đãi người ngoài như bài học của ngành dệt may.
Bình luận (0)