Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, từ đầu tháng 2-2016, triều cường đột ngột dâng cao làm hư hỏng nhiều đoạn kè chắn sóng, nước biển tràn vào nhà dân. Gần 1 tháng nay, ngành chức năng địa phương đã huy động phương tiện, nhân lực sửa chữa phần mái kè, dùng các rọ đá để che chắn tạm thời một số đoạn kè bị xoáy sâu. Tuy nhiên, các giải pháp ứng phó gần như không khả thi do bờ kè này đang xuống cấp.
Tính đến nay đã có hơn 100 m phần mái kè bị sóng đánh hỏng; hàng chục mét hành lang phía bên trong kè cũng sụt lún nghiêm trọng. Đáng lo ngại, có hàng ngàn hộ dân đang sinh sống bên trong kè Gành Hào.
“Sóng cao cả chục mét đánh vào đê, tràn vào nhà dân. Sống ở đây gần 40 năm, tôi chưa từng thấy sóng to như vậy. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời thì tài sản và tính mạng người dân nơi đây sẽ rất nguy hiểm” - ông Nguyễn Văn Bé, người dân sống gần bờ kè, kể.
Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, cho biết sự cố sạt lở đê đoạn kè G1-835 m tiếp giáp với đoạn G2-158 m làm hư hỏng khoảng 700 m2, ước thiệt hại khoảng 2,5 tỉ đồng. Trước mắt, ngành chức năng cho gia cố tạm thời nhưng về lâu dài cần phải có kinh phí để kiên cố hóa mới bảo đảm an toàn.
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng kè Gành Hào, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai hỗ trợ kinh phí 20 tỉ đồng để tỉnh khắc phục.
Song song với sự cố sạt lở kè Gành Hào, cùng trên tuyến đê biển Đông này, đoạn gần ranh giới tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng bị sóng biển phá hủy nghiêm trọng. Tuyến đê gần như bị chia cắt, đoạn sạt lở kéo dài hàng chục mét, mất gần 2/3 mặt đê.
Bình luận (0)