Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 21-5, đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết đang chờ chỉ đạo chính thức từ UBND TP HCM để có phương án thực hiện theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc cuối năm 2016, 100% người dân TP phải được sử dụng nước sạch và mua một giá thống nhất.
“Chúng tôi rất mừng!”
Một trong những nghịch lý là từ nhiều năm qua, sinh viên, công nhân, lao động nhập cư ở TP HCM thuộc nhóm thu nhập thấp nhưng không được hưởng nước sinh hoạt giá rẻ và đúng định mức, phải mua nước với giá 15.000-20.000 đồng/m3.
“Tôi là sinh viên đi thuê trọ nhưng phải chịu mức giá 20.000 đồng/m3 nước. Trung bình mỗi tháng, dù tôi xài tiết kiệm nhưng cũng mất vài trăm ngàn đồng tiền nước. Đây là mức giá quá cao so với đời sống sinh viên. Nghe Bí thư Thành ủy chỉ đạo cấp nước một giá, chúng tôi rất mừng!” - sinh viên Nguyễn Minh Hòa, Trường ĐH Luật TP HCM, bày tỏ.
Theo quy định hiện nay, giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn cho sinh viên, người lao động thuê nhà ở mà chủ nhà là bên mua nước thì cứ 4 người (căn cứ giấy đăng ký tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của địa phương với thời hạn thuê từ 1 năm trở lên) được tính là một hộ sử dụng. Tại TP HCM, các đối tượng nêu trên được tính giá nước sinh hoạt trong định mức (từ 1 m3 đến 4 m3/người/tháng) là 5.300 đồng/m3 (đây là mức giá thấp, chỉ bằng 60% so với giá thành sản phẩm nước sạch).
SAWACO cho rằng nhiều người không được hưởng định mức trên do không công chứng được hợp đồng thuê nhà. Do đó, để tạo điều kiện cho sinh viên và người lao động thuê nhà ở được hưởng giá nước sinh hoạt trong định mức, SAWACO đã yêu cầu các công ty thành viên cấp định mức nước sinh hoạt cho nhóm đối tượng này với thủ tục đơn giản hơn: Chỉ cần có hợp đồng thuê nhà (không cần công chứng) và xác nhận có khai báo lưu trú tại địa phương.
Tính đến cuối tháng 2-2016, 10 đơn vị cấp nước thành viên thuộc SAWACO đang cấp định mức nước sinh hoạt cho 423.281 đối tượng là sinh viên, người thuê nhà trên địa bàn TP. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, thừa nhận vẫn còn nhiều trường hợp dù đã được cấp định mức nước sinh hoạt đầy đủ nhưng chủ nhà trọ vẫn tính tiền với giá cao cho người thuê để hưởng lợi từ tiền chênh lệch. Điều này khiến nhiều lao động nghèo, sinh viên ở trọ phải chịu thiệt thòi.
Giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị
Vào tháng 12-2014, HĐND TP HCM khóa VIII đã ban hành Nghị quyết 28 đề ra chỉ tiêu phấn đấu 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa thể đạt được trong năm 2015. Tính đến cuối năm 2015, số hộ dân ở TP được cấp nước sạch chỉ đạt gần 88%, tương ứng 1.672.107/1.900.772 hộ. Như vậy, số hộ dân chưa được cấp nước sạch là 228.665, chủ yếu là ở các quận, huyện vùng ven.
Sau đó, vào tháng 12-2015, HĐND TP HCM khóa VIII ban hành Nghị quyết 35 tiếp tục đề ra chỉ tiêu 100% hộ dân TP được cấp nước sạch trong năm 2016. Theo báo cáo của Sở GTVT TP, trong 4 tháng đầu năm đã cấp nước sạch thêm cho 28.115 hộ, nâng tổng số hộ dân được cấp nước sạch là 1.700.222, đạt tỉ lệ trên 89%. Sở GTVT TP HCM đánh giá kết quả này còn thấp so với kế hoạch của UBND TP.
Để đạt mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch trong năm nay, theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, TP sẽ phát triển khoảng 1.282 km mạng lưới ống; lắp đặt 128 đồng hồ tổng; xây dựng, nâng cấp và mở rộng 21 trạm cấp nước; lắp đặt thêm 433 bồn chứa nước và lắp 1.193 thiết bị lọc nước hộ gia đình. Ông Khoa cũng giao chỉ tiêu cấp nước sạch cụ thể cho các đơn vị, cơ quan.
Theo đó, Tổng Giám đốc SAWACO chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cung cấp nước sạch phục vụ cho 151.398 hộ dân trên địa bàn quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn. Giám đốc Sở GTVT và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cung cấp nước sạch phục vụ 50.174 hộ dân trên địa bàn huyện Củ Chi. Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cung cấp nước sạch phục vụ cho 25.214 hộ dân; chủ tịch UBND huyện Củ Chi chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cung cấp nước sạch phục vụ cho 1.879 hộ. Thời gian hoàn thành các chỉ tiêu trên chậm nhất là ngày 30-11.
Bảo đảm công bằng
Liên quan đến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc bán nước sạch đồng giá cho dân, ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, cho rằng cơ chế như hiện nay chưa tính đúng, tính đủ do giá tiêu thụ nước sạch bị chi phối quá nhiều bởi các yếu tố xã hội, công ích.
Do đó, đơn vị cấp nước đã phải áp dụng cơ chế bù chéo giá nước giữa các đối tượng sử dụng (sinh hoạt và không sinh hoạt), áp dụng định mức và vượt định mức… Tuy nhiên, ông Hải nhìn nhận trong tương lai cần áp dụng cơ chế đồng giá để bảo đảm sự công bằng trong sử dụng nước.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM:
SAWACO không thể nói khó
TP HCM đang quyết liệt triển khai việc cung cấp nước sạch trên địa bàn. Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát Nghị quyết 28, Nghị quyết 35 và bằng mọi giá trong năm 2016, 100% hộ dân phải được cung cấp nước sạch.
Với chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng - tất cả hộ dân phải được cấp nước sạch và mua đồng giá, phải cố gắng làm cho bằng được. Trước đây, UBND TP cũng có ý kiến chỉ đạo đó nhưng SAWACO nói khó. Quan điểm người dân TP xài cùng một giá nước là HĐND TP ủng hộ và SAWACO phải làm, chứ không thể phân biệt có hộ khẩu hay không hộ khẩu.
Anh Đoàn Văn Bách, công nhân Công ty Marubishi Sumit VN (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM):
Sao lại có sự phân biệt?
Tôi đang ở trọ và tiền nước chiếm một khoản không nhỏ trong thu nhập vốn không cao của mình. Tôi không hiểu vì sao có sự phân biệt trong sử dụng nước. Giá nước mà chúng tôi phải mua là 30.000 đồng/m3, quá cao so với giá do nhà nước quy định hiện nay.
Khi được tiếp xúc với lãnh đạo TP HCM, tổ chức Công đoàn và các đoàn thể khác, tôi cũng từng nêu lên những bức xúc này nhưng đến nay, mọi việc vẫn như cũ. Tôi mong lãnh đạo TP đừng để chủ nhà trọ tiếp tục lấy giá nước cắt cổ trên đồng lương còm cõi của công nhân (CN).
Anh Nguyễn Văn Phước, công nhân Công ty Đạt Việt (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM):
Công nhân không được lựa chọn
Đời sống CN hiện nay rất khó khăn vì thu nhập thấp lại trả tiền nhà, tiền điện, nước rất cao. Như ở KCX Tân Thuận, giá phòng trọ và điện nước cao hơn hẳn những khu vực khác. Có chủ nhà trọ lấy giá nước 20.000 đồng/m3.
Bản thân tôi đang là người ở trọ và tôi đã gặp chủ nhà để bày tỏ rằng giá nước như thế là chưa hợp lý. Nhưng trái với những mong chờ của CN, chủ nhà cho biết nếu không chấp nhận giá đó, chúng tôi có thể dọn đi. Dọn đi chỗ khác, tiền nước có thể rẻ hơn nhưng xa chỗ làm hơn. Vì không có sự lựa chọn nào khác, chúng tôi đành chịu.
Chị Nguyễn Thị Lê, Công nhân Công ty CP Giấy Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP HCM):
Xài nước giếng vẫn phải trả tiền
Tuy là quận nhưng hiện nay nhiều nơi ở Thủ Đức vẫn còn xài nước giếng, không có nước máy. Chỗ ở trọ của tôi cũng xài nước giếng. Nước giếng đầy phèn làm cho quần áo ố vàng. Biết là nước giếng không thể dùng được nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng vì không thể thêm tiền mua nước nấu ăn, sinh hoạt hằng ngày.
Dù xài nước giếng nhưng mỗi tháng, chúng tôi phải đóng tiền cho chủ nhà. Họ lý giải đó là tiền điện để bơm nước lên cho CN xài. Không biết đến khi nào CN mới có nước sạch để sử dụng,
P.Anh - H.Đào ghi
Bình luận (0)