Chiều 2-6, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) tiếp tục cử bác sĩ đến BV Đa khoa Hòa Bình hỗ trợ các bác sĩ ở đây điều trị tích cực cho nạn nhân nặng nhất trong vụ tai biến chạy thận làm 7/18 người tử vong, ngày 29-5.
Suy 6 tạng
Trực tiếp khám và hội chẩn cho bệnh nhân Nguyễn Bích N. (45 tuổi, nữ bệnh nhân chạy thận gần 10 năm), GS-TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai - cho biết tình trạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch, sự sống mong manh. Bệnh nhân suy cùng lúc 6 tạng (tim, phổi, gan, ruột...), tổn thương các cơ, rối loạn đông máu, hiện đang chuyển sang giai đoạn nhiễm độc, tình trạng suy gan nặng nề hơn kèm theo xuất huyết tiêu hóa. Những ngày qua, bệnh nhân đã được đặt máy ECMO (kỹ thuật hồi sức đặc biệt, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim), đồng thời liên tục được lọc máu và lọc huyết tương.
Nhiều bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai được huy động tới hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cứu chữa nạn nhân
"Chúng tôi đã hội chẩn và tính đến phương án sẽ đưa bệnh nhân về Hà Nội trong tối 3-6 cùng máy thở và máy ECMO nếu bệnh nhân có thể "cai" được máy lọc máu trong vòng 2 giờ để xe di chuyển. Tuy nhiên, ngay sau khi các bác sĩ ngừng máy trong vòng vài phút, lập tức bệnh nhân diễn biến rất xấu. Những ngày qua, bệnh nhân đã 2 lần ngừng tim, ngừng tuần hoàn. Hiện tại, mọi chỉ số sinh tồn đều phụ thuộc vào máy móc. Đây là bệnh nhân đầu tiên chúng tôi phải sử dụng nhiều thiết bị, máy móc đến vậy. Ước tính chi phí điều trị mỗi ngày lên tới 100 triệu đồng. Nhưng, dù chỉ là hy vọng mong manh, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức với hy vọng bệnh nhân có thể qua khỏi" - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, trong y văn thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào suy cùng lúc 6 tạng như bệnh nhân mà được cứu sống. Hiện tại, các tạng quan trọng để duy trì sự sống đều bị phá hủy hết. Bệnh nhân được xác định ngộ độc cấp nhưng chưa rõ ngộ độc gì. "Nhiều khả năng chất độc ngấm vào máu, phân tán khắp cơ thể, tấn công nội tạng" - ông Bình lo ngại.
Đánh giá về nguyên nhân tai biến với 18 trường hợp chạy thận ở Hòa Bình, ông Bình cho biết đây cũng là một dạng sốc phản vệ với hóa chất. Cho đến thời điểm này, người ta nghi ngờ nhiều khả năng do tồn dư hóa chất trong nước pha dịch. Tuy vậy, để có kết luận chính xác phải chờ cơ quan chức năng.
Phải đúng bản chất sự việc
Chiều 2-6, ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết hội đồng chuyên môn đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố tai biến. Hiện công an đang phối hợp các đơn vị chức năng tích cực điều tra, làm rõ nguyên nhân. Ông Dương cho rằng không loại trừ có thể nguyên nhân từ phía nhà cung ứng thiết bị, vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế bởi trước đó, ngày 28-5, công ty có đến BV bảo trì máy lọc thận. "Tuy nhiên, đây là đơn vị làm việc với BV nhiều năm nay và hỗ trợ nhiều máy chạy thận. Nguyên nhân vì đâu thì cơ quan chức năng sẽ làm sáng tỏ" - ông Dương nói.
Liên quan đến thông tin về sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất tại BV này, ông Dương cho rằng năm 2010 đã có kết luận xử lý đơn thư rõ ràng nhưng một số bài trên các báo chỉ nêu nội dung đơn thư chứ không nêu kết luận của cơ quan chức năng . "Tôi xác định mình làm mình chịu trách nhiệm nhưng phải đúng bản chất sự việc. Nếu một con người nhiều sai phạm như vậy tại sao vẫn duy trì công việc, vẫn được giao nhiệm vụ điều hành BV" - ông Dương trần tình.
Trả lời về mối liên quan giữa việc đấu thầu trong kết luận thanh tra năm 2014 với sự cố nghiêm trọng vừa qua, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, khẳng định không có liên quan.
"Những sai phạm này chỉ là việc đấu thầu hóa chất. Khi làm liên doanh, liên kết theo Thông tư 15 phải đấu thầu nhưng BV này lại ký hợp đồng liên doanh nên Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho thanh tra, kiểm tra. Sau đó đã yêu cầu đấu thầu tập trung, BV cũng khắc phục sai phạm, chuyển sang đấu thầu tập trung tại Sở Y tế" - ông Khánh nói.
Mua hóa chất đi theo máy
Trước đó, năm 2014, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Hòa Bình phát hiện nhiều sai phạm về liên doanh, liên kết đầu tư trang thiết bị y tế tại BV Đa khoa Hòa Bình. Theo Kết luận số 184 ngày 6-3-2014 và Kết luận số 825 ngày 1-7-2014 của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, BV Đa khoa Hòa Bình đã thuê máy móc, trang thiết bị y tế của các doanh nghiệp (DN). Để trang trải các khoản phí thuê máy móc, trang thiết bị, BV đã mua các hóa chất, vật tư tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy do chính các DN cung cấp. Trong đó, đáng chú ý có 8 máy chạy thận nhân tạo của Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn. Kết luận thanh tra nêu rõ việc thuê máy và trả chi phí cho DN bằng cách mua hóa chất, vật tư tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy do chính DN cung cấp là chưa đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2007/TT-BYT ngày 12-12-2007 của Bộ Y tế.
Bình luận (0)