Bao nhiêu năm rồi, Nhà giáo Ưu tú - TS Nguyễn Xuân Đàm vẫn vậy. Dù còn ngồi ghế giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hay đang nằm trên giường bệnh điều trị ung thư, ông vẫn thao thao bất tuyệt như không có điểm dừng khi ai đó khơi gợi đến mạch cảm xúc về nghề giáo.
Giọt nước mắt chan chén cơm học trò
Tôi dự định viết về TS Đàm đã lâu nhưng không hiểu sao cứ luôn có cảm giác thiêu thiếu khi nói đến ông. Bởi lẽ, tâm huyết của ông về ngành giáo dục như con suối giữa đại ngàn, không bao giờ cạn. Tôi không phải cộng sự, cũng không là học trò của TS Đàm nhưng những gì ông dạy cho tôi thì không khác gì một người thầy.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm và người thân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ngày đó, tôi là phóng viên mảng giáo dục của Đài Phát thanh Phú Yên, còn ông là Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh. Một hôm, ông rủ tôi lên xã miền núi Suối Bạc, huyện Sơn Hòa tìm hiểu mô hình mới mà ông “đẻ” ra: Trường bán trú dân nuôi. Theo đó, ngành giáo dục xây dựng thêm chỗ để học sinh (HS) - chủ yếu là con em đồng bào dân tộc ít người - xa nhà ở lại trường, còn ăn uống gia đình tự lo.
Chúng tôi đến lúc giữa trưa. Mười mấy HS đen nhẻm chia làm 2 nhóm đang tranh thủ lùa cơm với muối ớt. Ông chăm chú nhìn các em ăn cơm rồi chợt hỏi: “Còn cơm không, cho thầy ăn với!”. Một HS ngước nhìn rồi vội đi lấy chén đũa. Ông không nói gì, tự xúc cơm, lấy muối ớt rồi thản nhiên ăn. Bỗng ông khựng lại, nước mắt chan vào chén cơm. “Cay quá hả thầy?” - một HS ngây ngô hỏi. “Ừ, cay quá” - vị giám đốc Sở GD-ĐT cố nuốt hết chén cơm rồi đứng lên, chia tay các em mà không nói gì thêm.
Chuyện bữa cơm sau đó được ông đưa ra trong buổi làm việc với phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa. “Chỉ có cơm với muối ớt thì chắc tối lại, chữ nghĩa nhảy múa lắm” - ông chua chát. Không lâu sau, tôi trở lại Sơn Hòa thì chị phó chủ tịch huyện khoe: “Huyện đã thống nhất rồi, hằng tháng sẽ hỗ trợ bữa ăn cho mỗi HS 10.000 đồng”. 10.000 đồng ngày đó không lớn nhưng mỗi bữa ăn của các em sẽ có thêm chút thịt và đấy đã là cố gắng của một huyện nghèo miền núi…
Năm nay, tôi lại gọi điện thoại chúc Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam khi ông đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Nói đến nghề giáo, đến HS thì ông lại thao thao, bất chấp căn bệnh ung thư vòm họng. Thấy ông vui, tôi đùa: “Ngày đó, thầy khóc chắc là vì muối ớt cay thật…”. Ông chùng giọng: “Vẫn còn lâu để HS miền núi được như đồng bằng”.
Đến lúc này, tôi mới hiểu vì sao sau khi TS Đàm về hưu, một hội nghị về giáo dục tổ chức tại huyện Sông Hinh mà ông lại không được mời tham dự. Khi hội nghị bắt đầu, có người nhận ra một mái đầu bạc trắng không thể lẫn vào đâu ở cuối phòng nên thảng thốt: “Ôi, thầy Đàm…”. Ông vẫn khẽ khàng: “Thầy chỉ ngồi nghe thôi”.
Ngưỡng vọng người thầy mẫu mực
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm sinh năm 1937 ở xã đồng khởi Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên; là một trong những HS miền Nam đầu tiên tập kết ra Bắc. “Ngày đó xa nhà nhưng thầy vẫn luôn nhớ lời cha dặn: Nghề giáo tuy bần nhưng cao quý khi đào tạo ra những người có ích cho đời” - ông nhớ lại về việc chọn nghề giáo của mình.
Năm 1959, ông tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với tấm bằng xuất sắc. Được Bộ GD-ĐT cử đi Liên Xô giảng dạy ở Trường ĐH Lômônôxốp nhưng ông đã viện cớ, xin ở lại giảng dạy trong nước. Ông được phân về làm hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Hà Tĩnh trước khi đi B tăng cường cho Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1964, ông được phân công phụ trách chuyên môn Trường Giáo dục Tháng Tám đóng tại Tây Ninh. Ngày đó, HS của ông có hơn 300 người. Nhiều người sau này giữ các cương vị quan trọng của đất nước. “Nhưng học trò của thầy cũng hy sinh nhiều quá, đã có 75 liệt sĩ rồi” - giọng ông chùng xuống nhưng cũng đầy vẻ tự hào khi nói về nhà giáo, liệt sĩ Lê Thị Thiên, HS khóa 2 Trường Giáo dục Tháng Tám. Liệt sĩ Thiên là người đã để lại quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” nổi tiếng.
Sau khi trở ra Bắc năm 1973, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Ngày ông bảo vệ đề tài “Kinh nghiệm của nhà trường Xô viết trong việc hình thành thế giới quan của HS và sự vận dụng sáng tạo vào nhà trường ở Việt Nam”, rất đông giáo sư, viện sĩ nhiều nước đã đến dự vì đề tài này mang tính thời đại, thực tiễn cao. Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Đàm đạt loại xuất sắc, được tặng thưởng, cho lưu lại thêm 6 tháng với vai trò là cán bộ nghiên cứu.
Về nước với tấm bằng phó tiến sĩ khoa học giáo dục, với vai trò là Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông tập trung cho việc biên soạn giáo trình giảng dạy trong nhà trường. Đến năm 1985, ông được điều về làm phó giám đốc rồi giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên trước khi nghỉ hưu vào năm 1998.
18 năm về hưu, dường như ông chưa một ngày thôi nghĩ về ngành giáo dục. “Thỉnh thoảng, thầy vẫn điện thoại về sở để hỏi thăm về trường này, thầy giáo kia. Trong suy nghĩ của tôi, thầy Đàm là người hết sức tâm huyết và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục” - ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nhìn nhận.
TS Đinh Lăng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Phú Yên, thán phục: “Nói về thầy Đàm thì giáo viên nhiều thế hệ ở tỉnh này đều ngưỡng vọng. Đó là một người thầy mẫu mực tận tâm với nghề. Nhiều người dù không học nhưng cứ gặp ông là chào thầy”.
Kỳ tới: Gian nan gieo chữ vùng cao
Người truyền lửa
Ông Trần Văn Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, là một trong những người có nhiều năm gắn bó trong công việc với TS Nguyễn Xuân Đàm. “Với tôi, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm là một người thầy hơn là một người anh, một người lãnh đạo bởi cái cách mà ông truyền ngọn lửa nhiệt huyết với ngành giáo dục cho thế hệ sau luôn được trân trọng như một người thầy dạy trò. Đó là một người thầy đầy tâm huyết với giáo dục, đặc biệt là giáo dục miền núi. Cho đến ngày nay, những gì thầy Đàm truyền lại cho chúng tôi về ngành giáo dục vẫn luôn mới” - ông Chương bày tỏ.
Bình luận (0)