Một trong số 23 cuốn sắc phong cổ đang còn nguyên vẹn được ông Lê Văn Phương - hậu duệ 21 đời của Lê Hiểm lưu giữ cẩn thận
Gia đình đang lưu giữ 23 cuốn sắc phong cổ cho dòng họ Lê là hộ ông Lê Văn Phương (ngụ xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa).
Ông Lê Văn Phương là trưởng tộc và là hậu duệ 21 đời của Lê Hiểm, 1 trong 18 vị tướng từng cắt máu ăn thề ở Hội thề Lũng Nhai, góp công lớn giúp người Anh hùng dân tộc Lê Lợi đánh đuổi quân Minh xâm lược.
23 cuốn sắc phong được ông Phương cất giữ rất cẩn thận, hầu hết các cuốn sắc phong còn tương đối nguyên vẹn, được viết bằng chữ hán nôm. “Gia đình chúng tôi đã tiếp rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học (trong đó có cả nhà nghiên cứu Nhật Bản) về xem, ghi chép để làm rõ nội dung và niên đại trong những cuốn sắc phong này. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một bản dịch và thông tin chính xác nào về những cuốn sắc phong này” - ông Phương nói.
Những cuốn sắc phong này được cho là của triều Lê và triều Nguyễn phong tặng cho Lê Hiểm, Lê Hiêu và Lê Phụ, những người có công lớn cho đất nước
Theo cụ Lê Văn Hợi, hậu duệ 18 đời của Lê Hiểm, nhiều người về tìm hiểu đã đánh giá những cuốn sắc phong này có niên đại hàng trăm năm, được vua triều Lê và triều Nguyễn phong tặng cho Lê Hiểm, Lê Hiêu và Lê Phụ, những người có công trạng lớn cho đất nước.
Ngoài 23 cuốn sắc phong cổ, tại nhà thờ họ của Lê Hiểm - Lê Hiêu (ở thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) đang còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị hàng trăm năm như: một chiếc Kiệu (thời Lê Phụ) có niên đại từ thời khởi nghĩa Lam Sơn, 2 bát hương thời nhà Mạc, 1 bát hương thời nhà Nguyễn, 3 cuốn sổ ghi gia phả và rất nhiều đồ vật khác có niên đại hơn 500 năm vẫn được bảo quản nguyên vẹn.
Theo ông Lê Văn Phương, hiện ông và nhiều người trong dòng tộc rất muốn được các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, nhà sử học về tìm hiểu, đánh giá để cho dòng họ được biết thông tin chính thức trong sắc phong viết gì, phong tặng cho những ai và được triều vua nào phong tặng.
Theo sử sách ghi lại, Lê Hiểm (SN 1392, thuộc Thiệu Thiên Phủ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) là một tướng lĩnh có tài thao lược trong những trận chiến tiêu diệt giặc Minh. Con của ông là cụ Lê Hiêu cũng tham gia đánh giặc cùng cha khi mới 13 tuổi, trong các trận chiến ác liệt. Năm 17, tuổi tuy còn rất trẻ nhưng Lê Hiêu đã được bổ sung vào thủy quân. Tháng 4-1428, Lê Hiêu được phong tước Cung quốc công, Thượng chủ quốc tham dự triều chính trọng sự.
Cha con cụ đã tham gia nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt vang dội. Đáng ghi nhớ nhất là trận phục kích ở Chi Lăng (năm Đinh Mùi 1927), chém đầu tướng Liễu Thăng tại Mã Yên, trận truy kích ở phố Cát bắt sống 5 vạn quân địch…
Sau khi giành thắng lợi trước quân Minh, cha con cụ Lê Hiểm - Lê Hiêu đã được phong đệ nhất Công thần khai quốc, tham dự triều chính trọng sự, khi mất được phong Thượng đẳng phúc thần đại vương. Hai cha con được an táng tại Lam Kinh, triều đình lúc bấy giờ đã cấp cho gia tộc 100 mẫu điền ở xã Phục Đội, huyện Cư Phong (nay là xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) để con cháu đời đời hưởng bổng lộc. Đến thời cháu nội (Lê Phụ) phò tá triều đình và giữ đến chức Trưởng Lục bộ Thượng thư.
Hiện nay, đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu tại xã Tân Phúc đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia vào 1994.
Bình luận (0)