xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một dự án lãng phí và thất thoát hơn 300 tỉ đồng

Nhóm PV

+ Dù đã được khuyến cáo, vẫn lựa chọn nhà thầu theo ý riêng, bất chấp thiệt hại+ Thanh tra Nhà nước sẽ kiến nghị xử lý hình sự?Chỉ trong một dự án, những sai phạm mà lâu nay dư luận nghi ngờ ở Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã được phơi bày. Hội đồng quản trị (HĐQT) VNPT đã lựa chọn nhà thầu có năng lực yếu hơn, chi phí cao hơn gây thiệt hại tức thời hơn 7 triệu USD và tốn gần 300 tỉ đồng khắc phục nhưng đến nay những hệ thống kỹ thuật trong dự án này vẫn chưa hoạt động như mong muốn.

Người đã ký quyết định phê duyệt dẫn đến hậu quả này là ông Đỗ Trung Tá, Chủ tịch HĐQT VNPT thời điểm đó và hiện là Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông.

Làm trái quy chế đấu thầu

Đầu năm 2001, với chủ trương mở dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ) trả trước VinaPhone để phục vụ nhu cầu sử dụng ĐTDĐ ngày càng tăng và chuẩn bị cho SEA Games 22, VNPT đã quyết định đầu tư dự án mua sắm thiết bị để nâng cấp các tổng đài có chức năng thông minh (IN) của Công ty Dịch vụ Viễn thông (GPC). Tổng vốn đầu tư của dự án là 147.473 triệu đồng, lấy từ nguồn vốn vay và tái đầu tư.

Dự án này có 5 gói thầu, trong đó có 3 gói thầu mua sắm thiết bị, chiếm khoảng 90% giá trị dự án đều có những nghi vấn làm trái các quy định về đấu thầu. Chúng tôi xin đề cập sâu vào gói thầu số 3, với trị giá 6.793.000 USD.

Tham dự đấu thầu của gói thầu này có 3 nhà thầu là Ericsson, Siemens và Acatel. Căn cứ trên hồ sơ dự thầu được mở ngày 21-3-2001, ngày 28-3-2001, tổ xét thầu (gồm chuyên gia của VNPT và GPC) đã xem xét, thống nhất đánh giá hồ sơ của Siemens được 945 điểm (đạt 94,5% điểm kỹ thuật), Acatel được 822 điểm (82,2%), còn Ericsson chỉ được 796 điểm (79,6%). Biên bản xét thầu cũng nhận xét Siemens đáp ứng được các yêu cầu trong hồ sơ. Thời gian Siemens bảo đảm đưa hệ thống IN vào khai thác là tháng 9-2001. Như vậy Siemens xếp thứ nhất, với giá trúng thầu là 6.567.111 USD, Acatel xếp thứ 2 với giá chào thầu là 4.287.437 USD, Ericsson xếp thứ 3, giá chào thầu là 4.906.718 USD, kèm theo nhận xét có nhiều lỗi về kỹ thuật. Đây là giá thầu áp dụng cho hệ thống 500.000 thuê bao, nếu áp dụng cho việc mở rộng, nâng cấp lên hệ thống 1,2 triệu thuê bao, giá thầu của Siemens là 11.333.952 USD, Acatel là 17.550.820 USD, còn của Ericsson lên tới 18.640.470 USD.

Ngay sau đó, ngày 30-3-2001, GPC đã có tờ trình 767 gửi VNPT xin phê chuẩn kết quả đánh giá thầu và ký hợp đồng với Siemens. Trong tờ trình này, GPC đã nêu rõ 5 lý do để nghị chọn Siemens trúng thầu. Mặc dù mọi việc đã rõ ràng như vậy, nhưng VNPT không chấp nhận mà yêu cầu GPC tiếp tục giải trình. Ngày 11 và 17-4-2001, GPC đã có hai văn bản giải trình bổ sung phân tích một cách kỹ lưỡng và nhất quán với nội dung tờ trình trước đó. Một lần nữa GPC đề nghị chọn Siemens trúng thầu và cho rằng chỉ có Siemens đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật và thời gian đưa hệ thống vào sử dụng.

Dường như nắm được thông tin VNPT sẽ lựa chọn nhà thầu Ericsson, GPC đã khẳng định trong văn bản này rằng: “Nếu chọn nhà thầu Ericsson trúng thầu cung cấp sẽ gây tổn thất lớn cho mạng từ việc khó khăn trong kết nối của hệ thống SCP/SMP với các phần tử khác trên mạng cũng như quản lý hệ thống và phát triển các dịch vụ mới sau này”.

Thế nhưng, bất chấp những văn bản phân tích của chủ đầu tư và biên bản của tổ xét thầu, ngày 4-5-2001, ông Đỗ Trung Tá, Chủ tịch HĐQT VNPT, lúc đó đã bất ngờ ký quyết định số 158, phê duyệt kết quả đấu thầu, với nhà thầu được lựa chọn là Ericsson! Dường như để vớt vát cho việc làm ngược của mình, trong quyết định phê duyệt, VNPT đã đưa ra 2 điều kiện: Ericsson phải bảo đảm tính tương thích của mạng Vina Phone giữa tổng đài của Ericsson với các thiết bị khác những không phát sinh tăng chi phí. Đồng thời Ericsson phải chịu phạt, bồi thường thiệt hại nếu không bảo đảm đúng lịch trình yêu cầu trong bản chào thầu, trừ thời gian phê duyệt chậm. Những điều kiện này là  thừa vì  đã được quy định trong hồ sơ mời thầu. Đây cũng chính là căn cứ để tổ xét thầu và GPC xem xét, khi đi đến kết luận: Nhà thầu Ericsson không thể đáp ứng được yêu cầu đưa thiết bị vào khai thác đồng bộ, thời gian chậm ít nhất là một tháng. Thậm chí lúc đó Ericsson đã “không trình bày giải pháp kết nối với hệ thống PPS hiện hành của Vina Phone”. Việc chọn nhà thầu Ericsson, trong trường hợp này, theo các chuyên gia là vi phạm nghiêm trọng quy chế đấu thầu, thể hiện sự cố ý làm trái, bất chấp những thiệt hại đã được dự báo trước.

“Tiền mất, tật mang”

Việc ký kết hợp đồng với Ericsson đã được triển khai sau đó, với yêu cầu thời gian đưa hệ thống vào khai thác là trước ngày 11-11-2001, nếu chậm trễ Ericsson phải chịu phạt, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, theo báo cáo của GPC gửi VNPT ngày 15-11-2001, đã quá ngày quy định nhưng thiết bị của Ericsson vẫn chưa kết nối được với các hệ thống khác của VinaPhone. Thậm chí đến ngày 8-1-2002, hệ thống “thông minh” của Ericsson vẫn chưa kết nối được với một số hệ thống của Siemens, chưa kiểm tra được việc nạp tiền vào thẻ cào, đã kết nối được với hệ thống SMS để tính cước nhưng việc tính cước chưa thể thực hiện được...

Điều lạ lùng hơn là mặc dù nhà thầu Ericsson vi phạm như vậy nhưng VNPT không có biện pháp gì buộc Ericsson thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Các chế tài phạt vi phạm hợp đồng đã không được thực hiện. Không những thế, VNPT còn “tạo điều kiện” cho Ericsson triển khai 3 dự án mới để khắc phục những hậu quả do chính Ericsson gây ra. Cụ thể là VNPT đã buộc phải ba lần đầu tư mở rộng “Hệ thống trả tiền trước mạng VinaPhone”, với tổng số tiền khoảng 40 tỉ đồng. Đồng thời phải thực hiện thêm dự án “Nâng cấp và mở rộng hệ thống chuyển mạch mạng VinaPhone”, tổng vốn đầu tư 131.496 triệu đồng. Tiếp đó là dự án “Nâng cấp và mở rộng hệ thống IN mang VinaPhone lên 1.200 K” (mức 1,2 triệu thuê bao- NV), tổng đầu tư chưa kể thuế là 113.935 triệu đồng. Mặc dù đã có những vi phạm nghiêm trọng như vậy, nhưng đến ngày 17-6-2003, các bên liên quan đã ký biên bản nghiệm thu cuối mà không có bất cứ việc xử lý vi phạm hợp đồng nào.

Như vậy, sau khi bỗng nhiên mất thêm hơn 7 triệu USD khi nâng cấp lên dung lượng 1.200 K, và phải chi phí thêm gần 300 tỉ đồng để đầu tư, hệ thống này của VinaPhone vẫn không hoạt động như mong muốn. Cụ thể là cho đến nay một trong những mục tiêu của việc xây dựng hệ thống IN là việc roaming trong nước và quốc tế cho thuê bao trả tiền trước vẫn chưa thực hiện được.

Thanh tra một loạt dự án của VNPT

Sau khi sự việc vỡ lở, tháng 5-2003, Thanh tra Nhà nước đã bắt tay vào thanh tra một loạt dự án về đầu tư, mua sắm trang thiết bị của GPC, thuộc VNPT, nằm trong số 64 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3.015,734 tỉ đồng. Đoàn thanh tra đã hoàn tất việc thanh tra và nhận định bước đầu cho thấy đã có hàng loạt sai phạm. Thanh tra Nhà nước đã yêu cầu VNPT giải trình những điểm bất hợp lý trước khi có kết luận chính thức. Với những sai phạm nói trên, Thanh tra Nhà nước có thể sẽ kiến nghị với với cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm. Chiều 15-3-2004, đại diện GPC và VNPT đã nộp bản giải trình lần cuối cho Thanh tra Nhà nước. Dự kiến Thanh tra Nhà nước sẽ chính thức kết luận những sai phạm nghiêm trọng tại VNPT trong những ngày tới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo