Tại cuộc giao ban báo chí chiều 6-10, ông Trần Quang Nhất - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang (LLVT) Nhân dân cho ông Đào Tấn Ngoạn (cha của Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc) đã được Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và đang chờ lấy ý kiến của Quân khu V.
Bị phản ứng gay gắt
Ngay sau khi có thông tin tỉnh Phú Yên hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho ông Đào Tấn Ngoạn (SN 1923; mất năm 2001 tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) gửi đến các cơ quan chức năng để xem xét, nhiều lãnh đạo về hưu ở tỉnh này phản ứng gay gắt. Có ít nhất 6 cán bộ hưu trí nguyên là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên có thư gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Quân khu V và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, nêu rõ việc này là sai quy trình.
Thư của một cán bộ nguyên là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên viết: “Sinh thời, đồng chí Đào Tấn Ngoạn là một cán bộ tốt nhưng không công tác và sinh hoạt trong Đảng bộ Phú Yên mà công tác ở tỉnh Đắk Lắk và Thừa Thiên - Huế thì lẽ đương nhiên Đảng bộ nơi công tác, quản lý Đảng tịch phải có trách nhiệm. Một câu hỏi đặt ra: Vì sao cả 2 nơi công tác, ở đó tổ chức Đảng ổn định, nhiều cán bộ cùng thế hệ vẫn đang sống mà họ không làm để phải đưa về Tỉnh ủy Phú Yên?... Rõ ràng trong việc này đang ẩn chứa một sự thiếu trong sáng”.
Trong thư của nguyên một ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên khẳng định không hề đố kỵ mà “điều chúng tôi không đồng tình là quy trình làm hồ sơ có nhiều khuất tất”.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên vào chiều 28-9, nhiều nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh bày tỏ quan điểm tương tự. Ông Nguyễn Văn Chín, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên, nói: “Nếu đúng là Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua hồ sơ của đồng chí Đào Tấn Ngoạn trong lúc biết đồng chí Ngoạn trước khi nghỉ hưu làm việc ở tỉnh khác là việc không bình thường”.
Ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho rằng: “Thường khi có người khen thưởng thì địa phương trân trọng, nâng niu lắm nhưng ở đây thì phản ứng ngược lại vì người ta thấy ở đó cách làm vội vã, mang động cơ không trong sáng”. Ông Quang cũng có thư gửi đến Quân khu V nói rõ điều này. Cũng theo ông Quang, tỉnh Phú Yên còn nhiều người có thành tích không kém gì ông Ngoạn nhưng chưa được phong tặng danh hiệu cao quý ấy.
Có chỉ đạo từ trên?
Theo hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho ông Đào Tấn Ngoạn, thành tích được cho là “đặc biệt xuất sắc” để đề nghị là từ năm 1956-1960, khi ông Ngoạn làm Bí thư Đảng ủy miền Tây Thừa Thiên. Trong cuộc trao đổi với báo chí, ban đầu ông Phạm Văn Hổ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên (nơi hoàn tất hồ sơ của ông Ngoạn), cho rằng Phú Yên chỉ hiệp y hồ sơ đề nghị của Huyện ủy A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tuy nhiên, sau khi trình bày về các văn bản liên quan, ông Hổ thừa nhận tỉnh Phú Yên đã làm hồ sơ dựa trên báo cáo thành tích của huyện A Lưới.
Ông Phạm Minh Chu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Phú Yên, cho rằng theo quy định thì hồ sơ của ông Ngoạn phải do tỉnh Đắk Lắk (nơi ông Ngoạn công tác từ năm 1960 đến khi nghỉ hưu vào năm 1980) làm. Thế nhưng, vì sao không phải Đắk Lắk mà là Phú Yên làm hồ sơ? “Họ đâu có chịu làm. Bởi thành tích của bác Ngoạn ở Buôn Ma Thuột không phải đặc biệt xuất sắc” - ông Chu nói.
Theo ông Huỳnh Ngọc Sanh, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Phú Yên, khi xem xét đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho ông Ngoạn vào chiều 13-8, ông có yêu cầu phải xem lại quy trình. “Tôi cũng nói đây là cha của đồng chí lãnh đạo cao nhất tỉnh, không khéo sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng họ nói là có sự chỉ đạo, thành ra thôi” - ông Sanh nói và cho biết vào ngày 12-3-2014, hội đồng đã xem xét đề nghị truy tặng danh hiệu này cho ông Ngoạn nhưng thấy không đúng nên đề nghị chuyển về tỉnh Đắk Lắk làm hồ sơ.
“Cái này không đúng nhưng thôi, tôi cũng để cho qua chứ thật ra nó hết thời hạn rồi” - một thành viên của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Phú Yên nói và cho biết thêm tỉnh Thừa Thiên - Huế không làm hồ sơ mà chuyển vào Phú Yên vì biết không làm kịp trong năm 2014. Trong khi đó, ông Phạm Văn Hổ lại nói: “Tôi nghĩ chỉ là tạm dừng thôi, chưa kết thúc đâu”.
Đã có hướng dẫn cụ thể
Văn bản hướng dẫn số 1849 ngày 6-11-2013, của Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) nêu rõ: “Việc xét đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân phải được tiến hành từ cấp cơ sở trực tiếp quản lý tập thể cá nhân đó trong thời kỳ kháng chiến. Cá nhân đã hy sinh, từ trần thì đơn vị nào quản lý cá nhân đó trong thời kỳ kháng chiến chịu trách nhiệm làm thủ tục đề nghị khen thưởng”.
Trong Thông tư hướng dẫn số 07 ngày 29-8-2014, Bộ Nội vụ cũng nói rõ: “Cá nhân đã nghỉ hưu (hoặc hy sinh, từ trần), hồ sơ đề nghị khen thưởng do cơ quan quản lý cán bộ trước khi nghỉ hưu (hoặc hy sinh, từ trần) hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền theo quy định”.
Theo Thông báo số 137 ngày 14-6-2013, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc tiếp tục phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cần phải kết thúc sớm trong năm 2014. Trong Văn bản hướng dẫn số 1849 của Tổng cục Chính trị cũng nói rõ việc xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kết thúc trong năm 2014.
Thế nhưng, không hiểu vì sao đến năm 2015, tỉnh Phú Yên vẫn làm hồ sơ cho ông Ngoạn?
Phải theo “kênh” quân đội
Theo một cán bộ của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Phú Yên, hồ sơ của ông Đào Tấn Ngoạn đã được UBND tỉnh Phú Yên trình ra Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu V vào ngày 25-8 để đề nghị 3 cơ quan trên có văn bản trình Chính phủ xem xét đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Tuy nhiên, đây là danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân nên phải theo kênh của quân đội, tức là phải được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trình cho quân khu. Sau khi quân khu xem xét mới trình cho Bộ Quốc Phòng. Bộ Quốc Phòng xem xét và trình ra Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương.
Bình luận (0)