Sau hơn 300 ngày lẩn trốn, cuối cùng, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đầu thú (Báo Người Lao Động ngày 1-8 đã thông tin). Trên con đường thăng tiến của mình, Trịnh Xuân Thanh để lại quá nhiều "di sản" xấu cũng như những bài học đắt giá trong công tác bổ nhiệm, quản lý cán bộ.
Lỗ nặng mà lên cao
Giai đoạn 2007-2013, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ đơn vị làm ăn có lãi, dưới thời điều hành của Trịnh Xuân Thanh trở thành "con nợ khủng" của các ngân hàng (NH). PVC trong thời kỳ 2011-2013 được cho là đã để xảy ra nhiều sai phạm, thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng. Đỉnh điểm của giai đoạn tuột dốc không phanh của đơn vị này là khoảng năm 2012-2013. Trong giai đoạn này, Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý...
Ông Trịnh Xuân Thanh (phải) khi còn đương chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (Ảnh tư liệu do đồng nghiệp của Báo Người Lao Động cung cấp)
Rời PVC vào tháng 8-2013, mặc dù để lại "di sản" thua lỗ nặng nề cho PVC nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn về được Bộ Công Thương và được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng bộ này. Đến tháng 2-2014, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được bổ nhiệm Trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương. Không lâu sau, khoảng giữa năm 2015, từ Bộ Công Thương, ông Thanh được luân chuyển về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh và được bầu vào BCH Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiệm kỳ 2011-2016.
Rất nhanh chóng, Trịnh Xuân Thanh trúng cử đại biểu Quốc hội vào tháng 6-2016 và vài ngày sau "nổ" ra vụ lùm xùm dùng xe Lexus tư nhân gắn biển xanh. Từ vụ việc này, Ban Tổ chức trung ương đã yêu cầu tỉnh Hậu Giang tạm dừng bầu Trịnh Xuân Thanh tái cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Liền sau đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng kết luận Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.
Các thông tin trong tháng 8-2016 cho thấy Trịnh Xuân Thanh xin nghỉ phép để trị bệnh song thực chất, khi triệu tập, ông này đã vắng mặt. Trịnh Xuân Thanh cũng bị khai trừ khỏi Đảng vào thời gian này.
Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" vào ngày 16-9-2016. Ngay sau đó, Bộ Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế với Trịnh Xuân Thanh.
Vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã kéo theo hàng loạt thuộc cấp như: Vũ Ðức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC), Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC), Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC)… rơi vào vòng lao lý.
Phải kỷ luật người bao che
Sau thông tin Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, một trong nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra là Trịnh Xuân Thanh sẽ được xử lý ở mức độ như thế nào?
Liên quan đến việc này, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), nói toàn bộ tài liệu thanh tra, dấu hiệu sai phạm của Trịnh Xuân Thanh đã được chuyển cơ quan điều tra. Trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được có tài sản tham ô, tham nhũng thì bắt buộc phải thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Đạt, tài sản tham ô, tham nhũng không dễ phát hiện bởi thường được tẩu tán ra nước ngoài bằng nhiều cách. Trong trường hợp phát hiện ra thì việc thu hồi cũng không hề đơn giản vì phụ thuộc vào quốc gia bị nghi tẩu tán tài sản sang có ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam hay không, chưa kể nhiều quy định quốc tế khác.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng ngoài việc xem xét kỷ luật ông Thanh thì việc quan trọng hơn rất nhiều là phải chấn chỉnh lại quy trình bổ nhiệm cán bộ. "Khuyết điểm như thế mà lên đến nhiều vị trí đáng mơ ước thì những người nào đã bổ nhiệm ông Thanh, dung túng, bao che, giúp đỡ cho ông Thanh phải được chỉ ra và chịu kỷ luật. Không thể để tình trạng làm đúng quy trình mà lại sai về con người được. Cần phải rà soát quy trình bổ nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm để tránh có thêm các "Trịnh Xuân Thanh" khác với hậu quả còn nặng nề hơn" - TS Lê Đăng Doanh đề nghị.
Đầu thú có giảm được tội?
Trên các diễn đàn xã hội đang có tranh luận về việc Trịnh Xuân Thanh sau gần 10 tháng bị truy nã quốc tế đã ra đầu thú, vậy có được xem xét giảm nhẹ tội khi xét xử hay không?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết khoản 2, điều 46 Bộ Luật Hình sự có quy định: "Khi quyết định hình phạt, tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ trong bản án". Như vậy, theo luật sư Thơm, việc người phạm tội đầu thú có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điều này. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, nếu người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc có những việc làm khác thuộc trường hợp được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1, điều 46 Bộ Luật Hình sự.
Dù vậy, luật sư Thơm cho rằng không phải mọi trường hợp ra đầu thú đều được giảm nhẹ tội. Bằng chứng là trong nhiều phiên tòa, không ít bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng dù trước đó đã ra đầu thú vẫn bị tuyên án tử hình (trừ các trường hợp đặc biệt như con liệt sĩ, bị bệnh tâm thần; hoặc một số trường hợp tội phạm về kinh tế đã khắc phục được phần lớn tiền tham ô).
Bình luận (0)