Tại tỉnh Kon Tum, tình trạng buôn bán pháo lậu diễn ra chủ yếu ở huyện Ngọc Hồi. Theo một số thương lái, pháo nổ được mua từ Lào, sau khi vận chuyển trót lọt sẽ bán cho các thương lái khác kiếm lời.
Đưa tiền trước mới được xem “hàng”
Trong vai người mua pháo về bán, phóng viên Báo Người Lao Động đã được một thương lái tên V. (ngụ huyện Ngọc Hồi) cho biết giá một bánh pháo loại 49 quả từ Lào về khoảng 400.000 đồng, sau khi mang tới huyện Ngọc Hồi sẽ đội lên từ 600.000-700.000 đồng. Các loại pháo khác như pháo bi giá 300.000 đồng/bì, pháo ông sư 30.000 đồng/quả… cũng chênh lệch khoảng 1/3 so với bên Lào.
“Tôi hay bỏ mối cho các thương lái tỉnh khác, cứ mỗi loại pháo hưởng chênh lệch khoảng 1/3 giá trị là được rồi. Cái này là hàng cấm, nguy hiểm lắm nhưng lời ít mà bán số lượng nhiều nên cũng có lời rồi” - V. nói.
Khách hàng của V. khá đông, tập trung ở miền Trung và Tây Nguyên, muốn đặt bao nhiêu cũng có. Sau khi thống nhất số lượng và giá cả, V. nhất quyết đòi giao tiền trước mới cho xem và giao hàng. Theo V., hàng đang được giấu ở nhiều nơi, chỉ khi nhận tiền mới gom lại và giao một lần cho nhanh. “Ông cứ đưa tiền rồi tôi sẽ giao hàng, bảo đảm uy tín. Cho xem trước nhỡ ông không mua hay là công an gài vào thì chết tôi à?” - V. nói.
Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), anh G. - một người dân địa phương - cho biết hằng đêm, các đối tượng thường lén lút vận chuyển pháo lậu qua các đường tiểu ngạch với biên giới Campuchia để vào nội địa.
Dù đã cải trang thành một phu bốc vác sắn lát nhưng trong quá trình theo chân anh G. ghi nhận thực tế, luôn có 2 đối tượng đeo khẩu trang thay nhau bám theo phóng viên. “Công an huyện mới bắt liên tiếp mấy vụ nên giới buôn pháo giờ rất cảnh giác. Hai người theo sát mình là những “chim mồi” có nhiệm vụ cảnh giới, thấy người lạ vào khu vực là để ý ngay” - anh G. tiết lộ.
Khó xử lý hình sự
Để qua mặt lực lượng chức năng, đưa pháo lậu vào nội địa, các đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò.
Một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cho rằng rất khó để phát hiện pháo lậu bởi các đối tượng thường giấu trong hàng hóa hoặc các xe chở nông sản. Mặt khác, họ thường gói thành bọc như hàng bình thường, sau đó đưa lên xe khách, nếu qua trót lọt sẽ nhận hàng, khi bị phát hiện thì chối.
Ngoài ra, các đối tượng còn vận chuyển qua những lối mở đường biên giới. Theo ông Lê Hồng Hà, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Gia Lai, việc này rất khó kiểm soát vì Gia Lai giáp biên giới với Campuchia, có nhiều đường tiểu ngạch, lối mở. Hơn nữa, pháo nổ gọn nhẹ, tốp 2-3 người đeo balo có thể vận chuyển được cả tạ pháo. Việc phát hiện và xử lý hình sự các đối tượng mua bán, vận chuyển cũng rất khó vì pháo nổ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Ông Hà cho biết thị trường pháo lậu năm nay có vẻ “sôi động” hơn so với các năm trước. Theo Nghị định 185, pháo là hàng cấm kinh doanh. Tuy nhiên, Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 lại quy định pháo trở thành mặt hàng “kinh doanh có điều kiện” cho nên khi phát hiện, lực lượng chức năng không thể xử lý hình sự. “Hàng kinh doanh có điều kiện tức không phải là hàng nguy cấp nữa. Do không bị xử lý hình sự nên các đối tượng ít sợ hơn” - ông Hà lý giải.
Bà bầu cũng tham gia
Ngày 17-1, Công an huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai tiến hành các thủ tục để xử lý Phạm Thị Quế (SN 1990, ngụ tỉnh Gia Lai) về hành vi mua bán, vận chuyển pháo lậu. Trước đó, Công an huyện Đức Cơ đã bắt giữ Quế khi đang vận chuyển pháo lậu tại thôn Ia Nan, huyện Đức Cơ; thu 9 kg các loại pháo nổ. Tại cơ quan công an, Quế khai mua số pháo này từ những đối tượng khác về bán kiếm lời. Quế đang mang thai ở tháng thứ 4 nên công an đã cho gia đình bảo lãnh về nhà và sẽ triệu tập khi cần thiết.
Bình luận (0)