Ngày 3-12, tại tỉnh Quảng Nam, trời có lúc hửng nắng nhưng nhiều khu vực ở các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ vẫn ngập nặng. Trong đêm và rạng sáng 3-12, dọc các phường ven sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ, nước đã tràn vào nhà dân, nhiều nhà ngập đến nóc.
Ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, cho biết khoảng 6 giờ ngày 3-12, chị Trần Thị Vũ (28 tuổi; ngụ xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) điều khiển xe máy chở con trai 5 tuổi đi từ huyện Phú Ninh xuống Tam Kỳ. Khi qua khu vực cầu Tây Yên (xã Tam Đàn), mẹ con chị bị nước cuốn trôi. Người dân phát hiện đã nhanh chóng ứng cứu nhưng chỉ vớt được chị Vũ, còn đứa con tử vong.
Sáng cùng ngày, trong lúc chơi đùa, em Phùng Quốc Dũng (học sinh lớp 8 Trường THCS Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) cũng bị nước cuốn. Cơ quan chức năng và người dân tổ chức tìm kiếm và đã tìm thấy thi thể của em.
Do thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ, 2 ngày qua, nước dâng cao nên 7 xã của huyện Nông Sơn ngập nặng, giao thông chia cắt. Tuyến đường huyết mạch ĐT 611 nối huyện Quế Sơn và Nông Sơn cũng ngập sâu, không thể lưu thông.
Tại Quảng Ngãi, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lúc 16 giờ cùng ngày, mực nước các sông trên địa bàn tiếp tục dâng cao, chia cắt nhiều nơi. Vùng hạ lưu các sông ngập sâu trên diện rộng; nhiều làng xã, khu dân cư hiện vẫn bị chia cắt. Hàng trăm căn nhà bị ngập, gần 2.000 ha hoa màu hư hại nặng.
Trong khi đó, ở Bình Định, ngày 3-12 đã phát hiện thêm 3 thi thể bị nước lũ cuốn trôi, nâng số nạn nhân thiệt mạng trong đợt mưa lũ này lên 7 người. Ba nạn nhân này gồm: ông Đinh Văn Ước (Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, huyện An Lão), ông Nguyễn Minh Sơn (ngụ thị xã An Nhơn) và anh Lê Hồng Phong (ngụ huyện Hoài Nhơn).
Dù ở Bình Định đã ngớt mưa nhưng do nước lũ xuống chậm nên nhiều đoạn đường trên các tỉnh lộ vẫn ngập 0,4-0,6 m, nhiều khu vực dân cư vẫn bị cô lập. Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định, cho biết theo thống kê ban đầu, thiệt hại hệ thống giao thông trên địa bàn ước tính trên 215 tỉ đồng. Một số tuyến đường chưa thống kê được mức độ hư hại do còn bị ngập.
Tại Quảng Ngãi, mưa lũ trong mấy ngày qua cũng làm 3 người thiệt mạng, gồm: ông Nguyễn Tấn Hoanh (ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) bị điện giật ngã xuống nước tử vong, 2 học sinh Võ Trung Tiến (lớp 6A4 Trường THCS Phổ Cường, huyện Đức Phổ) và Hồ Tấn Đạt (học cùng lớp với Tiến) bị đuối nước.
Ngoài ra, 2 người hiện vẫn mất tích là ông Nguyễn Đức Trọng (ngụ TP Quảng Ngãi), công nhân Thủy điện ĐăkRe, bị nước cuốn trôi khi lội qua suối và ông Phạm Văn Phiên (ngụ huyện Ba Tơ).
Trong khi đó, sau 7 ngày tạm ngưng do đảo Lý Sơn cô lập với đất liền vì biển động mạnh, tuyến giao thông thủy nội địa nối đảo này với cảng Sa Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi) đã hoạt động trở lại vào sáng 3-12. Hàng chục chuyến tàu chở khách và hàng hóa đã đồng loạt xuất bến.
Đúng 7 giờ, cảng Sa Kỳ mở cửa bán vé cho trên 250 hành khách ra đảo Lý Sơn. Ba chuyến tàu chở khách và 3 chuyến tàu chở hàng đồng loạt nhận lệnh nhổ neo. Tại Lý Sơn, 1 chuyến tàu khách đã xuất bến, chở trên 40 du khách vào đất liền sau nhiều ngày mắc kẹt trên đảo. Hai tàu hàng chở trên 50 tấn hành, tỏi của nông dân Lý Sơn cũng rời bến cùng ngày.
Động đất trong thời điểm thủy điện xả lũ
Ngày 3-12, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu cho biết lúc 8 giờ 30 phút cùng ngày, một trận động đất 2,4 độ Richter đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 15,325 độ vĩ Bắc,108,084 độ kinh Đông (thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), độ sâu chấn tiêu khoảng 7 km.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho hay ở địa phương không cảm nhận được trận động đất này. Theo ông Tuấn, những ngày vừa qua, trên thượng nguồn của đập thủy điện Sông Tranh 2 có mưa lớn, thủy điện này đang xả lũ với lưu lượng trên 700 m3/giây.
Bình luận (0)