Từ đêm 14-11, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, gây ngập lụt nhiều nơi.
Quảng Ngãi: Thiệt hại nặng nề
Tối 14 và ngày 15-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to gây ngập lụt trên diện rộng với hàng ngàn ngôi nhà bị ảnh hưởng.
Tại huyện Ba Tơ, mưa lớn gây sạt lở đã làm hệ thống giao thông bị chia cắt. Trên Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum, tại xã Ba Tiêu, hàng trăm khối đất đá đổ xuống làm tắt nghẽn giao thông. Tình trạng sạt lở cũng xảy ra tại các xã Ba xa, Ba Giang, Ba Lế, Ba Trang, Ba Vinh và Ba Điền. Huyện đã di dời hơn 400 hộ trong vùng bị ngập sâu và có nguy cơ bị ngập. Theo thông tin ban đầu, xã Ba Xa đã có 1 người chết và một số người khác bị thương do mưa lũ.
Chiều cùng ngày, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết hiện có 6 người dân ở cù lao thôn Nước Siêng xã Ba Vì bị nước lũ cô lập. Lực lượng cứu hộ đang giải cứu nhưng gặp rất nhiều khó khăn.
Tỉnh lộ 623 qua 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây có nhiều đoạn bị sạt lở. Trong khi đó, cầu Sông Rin bị ngập gây chia cắt giao thông 2 huyện miền núi này. Cầu treo Sơn Thủy (huyện Sơn Hà) bắc qua sông Re đã bị nước cuốn trôi. Một số nhà dân ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây cũng bị nước lũ cuốn trôi. Chính quyền địa phương đã di dời hàng chục hộ dân ở nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Theo người dân huyện Sơn Hà, mực nước năm nay bằng trận lũ lịch sử năm 1986 làm khu vực Hàng Gòn (thị trấn Di Lăng) ngập sâu hơn 2 m. Huyện Sơn Hà đã huy động lực lượng giúp dân di dời tài sản và đưa người già, trẻ em đến nơi an toàn. Hiện còn 20 khu dân cư với 10.000 hộ dân đang đối mặt với nguy cơ bị chia cắt do nước lũ dâng cao và sạt lở đường giao thông.
Chiều 14-5, trên đường đi làm về, ông Lâm Quang Vinh (trú thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) đã bị lũ cuốn trôi.
Mưa lũ cũng đã làm Trạm y tế xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa bị tốc mái hoàn toàn và 4 cán bộ, nhân viên tại đây bị thương.
Sạt lở đất, ách tắc giao thông
Chiều 15-11, đại diện UBND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết đang tích cực tìm kiếm thi thể 1 trong 2 giáo viên vừa bị nước cuốn trôi.
Nhiều nhân chứng cho biết sáng cùng ngày, cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga (SN 1992, Trường Mầm non xã Kông Lơng Khơng) và một giáo viên khác (chưa xác định danh tính) trên đường đến trường, khi qua ngầm tràn của suối Tà Nang, xã Đông đã bị nước lũ cuối trôi. Lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể cô giáo Nga cách hiện trường khoảng 1 km.
UBND tỉnh Kon Tum cho biết đêm 14 và sáng 15-11, lũ trên sông Đắk Bla đã cuốn trôi 1 người, nhiều tuyến đường ở đây bị sạt lở nghiêm trọng gây ắch tắc giao thông. Nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi là chị Y Hiên (SN 1975, trú xã Đăk Nên, huyện Kon Plông).
Mưa lớn làm đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), Tỉnh lộ 676, Tỉnh lộ 673, đường Đông Trường Sơn… bị sạt lở nhiều đoạn. Ô tô và xe máy vẫn chưa thể lưu thông qua những tuyến đường này.
Tại huyện Kon Plông, mưa lớn làm thôn Măng Krí, xã Ngọc Tem bị cô lập. Nhiều điểm trường bị sạt lở. Cầu treo thôn 3 xã Đăk Pne đã bị nước cuốn trôi.
Trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, suốt đêm 14 và ngày 15-11 cũng có mưa to, cộng với việc xả lũ đã gây ngập lụt nhiều nơi.
Tại tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết nước lũ đang lên nhanh. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, đến chiều 15-11, hồ Định Bình (hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh) với dung tích 174 triệu m3 đang xả lũ với lưu lượng 2.600 m3/giây gây ngập lụt nặng thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước. Nhiều nơi nước ngập sâu đến nửa nhà. Nhiều gia đình phải vội vã di dời đến nơi an toàn. Tại huyện Hoài Ân, nước sông Lại Giang và Kim Sơn lên nhanh, gây chia cắt nhiều xã. Lúc 9 giờ ngày 15-11, anh Trần Thế Giảng (SN 1996, ở xã Ân Nghĩa) bơi qua sông Kim Sơn đã bị nước lũ cuốn mất tích.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Văn Thường (SN 1977) bị sóng lớn đánh rơi xuống biển khi đang khai thác hải sản trên tàu cá của bà Nguyễn Thị Diệu (ngụ xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) hôm 14-11 vẫn chưa tìm được thi thể.
Tại tỉnh Phú Yên, mưa lớn cùng với việc thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 2.000 m3/giây đã gây ngập nhiều nơi. Đã có 13 ngôi nhà thuộc các huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu bị sập hoàn toàn; 42 nhà khác ở huyện Tuy An bị ngập đến mái. Sáng 15-1, ông Đỗ Văn Lanh (SN 1980, ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) dùng thúng chai hành nghề mành tôm bị lật úp mất tích. Hiện UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương di dời khẩn 772 người của 209 hộ sống ở vùng trũng, gần sông, biển có nguy cơ bị triều cường uy hiếp.
Mưa lũ còn phức tạp
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên đang lên nhanh. Dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp diễn ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên trong 2 ngày tới.
Lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh. Lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum có khả năng lên trên mức BĐ3; các sông ở Quảng Nam, Phú Yên và Thừa Thiên - Huế lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2.
Thủy điện Sông Tranh đã vượt mức xả tràn Tại tỉnh Quảng Nam, mưa to khiến nước đổ về các hồ thủy điện, thủy lợi tăng nhanh. Tại huyện Bắc Trà Mi, nước lũ đổ về hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 lúc 10 giờ ngày 15-11 đã vượt ngưỡng xả tràn và tự chảy qua 6 cửa xả. Ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Trà My, cho biết lượng nước đổ về hồ này lớn nhất từ khi xảy ra sự cố thấm, nước chảy xối xả xuống phía hạ lưu đập chính. Huyện đã thông báo khẩn cấp, liên tục về việc thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ với lưu lượng lớn về phía hạ lưu để người dân phòng tránh nguy hiểm. |
Bình luận (0)