Đến chiều 28-7, cơn mưa lũ lớn nhất trong lịch sử tại Quảng Ninh đã gây ra những hậu quả thảm khốc, cướp đi sinh mạng của nhiều người, để lại mất mát, thiệt hại vô cùng lớn.
7 người trong một gia đình tử nạn
Trong số này, tang thương nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Thược (76 tuổi; ngụ tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long). Bảy người trong gia đình bà Thược tử nạn do mưa lũ, cùng một cháu nhỏ vẫn đang bị vùi lấp trong đống đổ nát.
Lúc đó, khoảng 5 giờ ngày 28-7, đất đá trên đồi bất ngờ trôi xuống khiến 3 ngôi nhà cấp 4, mái bằng nằm kề nhau của gia đình bà Thược bị đổ sập. Cả 9 người trong gia đình gồm bà Thược, 2 đôi vợ chồng con bà Thược và 4 cháu nhỏ bị hàng trăm khối đất đá vùi lấp.
Ngay trong sáng 28-7, UBND TP Hạ Long đã huy động trên 500 người gồm lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên và người dân có mặt tại hiện trường tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đến trưa cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã đào bới, tìm được 3 người nhưng chỉ anh Cao Tiến Vỹ (37 tuổi, con bà Thược) còn sống (bị chấn thương sọ não), còn vợ và con anh Vỹ là chị Đỗ Thu Hiền (26 tuổi) và cháu Cao Thu Hoài (10 tuổi) đã thiệt mạng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong chiều 28-7, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thêm nạn nhân còn lại bị hàng trăm tấn đất, đá vùi lấp. Dưới cơn mưa tầm tã, hàng trăm người dùng mọi phương tiện để đào bới, tìm kiếm nạn nhân. Đến 19 giờ 30 phút, lực lượng chức năng tiếp tục tìm được thi thể của 5 người. Nạn nhân còn lại là một cháu nhỏ vẫn còn bị vùi lấp trong đống đổ nát.
Những người dân tại đây cho biết do đất sạt lở lúc sáng sớm, mọi người trong gia đình bà Thược đang ngủ nên không thể thoát khỏi tai nạn thương tâm này. Có mặt tại hiện trường, chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thốt lên: “Đau lòng quá! Đây là thiệt hại nặng nề nhất mà thiên tai đã gây ra cho Quảng Ninh”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh xác nhận trong ngày 28-7, chỉ riêng tại TP Hạ Long đã có 13 người chết, 8 người bị thương và 1 người mất tích.
Nhiều nơi bị cô lập
Đến chiều tối 28-7, TP Hạ Long, TP Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn về giao thông. Các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu của TP Hạ Long và phường Quang Hanh, Mông Dương, Cửa Ông của TP Cẩm Phả bị ngập lụt và chia cắt; nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái. TP Cẩm Phả đã huy động trên 1.700 lượt người tham gia cứu hộ và di chuyển hơn 1.000 hộ dân đến nơi an toàn. Đến tối cùng ngày, phường Quang Hanh vẫn còn bị cô lập, lực lượng chức năng cố gắng tiếp cận để cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ dân. Tương tự, 2 thôn ở Bản Sen, huyện Vân Đồn cũng bị cô lập do mưa lũ. 45 hộ dân nơi đây được chính quyền hỗ trợ đến nơi an toàn. Cũng tại huyện đảo này, 2 nhà cấp 4 bị sập nhưng rất may không có thiệt hại về người.
Mưa lũ cũng làm hệ thống điện bị mất tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh. Trong khi đó, từ chiều 28-7, Công ty Nước sạch Quảng Ninh thông báo tạm ngừng cấp nước cho TP Hạ Long và Cẩm Phả trong vòng từ 1 đến 2 tuần. Mưa lớn những ngày qua khiến đất đá, cây cối đổ xuống, làm gãy tuyến ống D800 của Nhà máy Nước Diễn Vọng (tuyến ống chính cấp nước sạch cho 2 TP Hạ Long và Cẩm Phả).
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến cuối ngày 28-7, toàn tỉnh ít nhất có 16 người thiệt mạng, 7 người mất tích cùng gần 3.000 nhà dân bị ngập lụt, hơn 20 ha nuôi trồng thủy sản và 880 lồng bè thủy sản bị ảnh hưởng.
6 ngư dân mất tích trên biển
UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh ngày 28-7 cho biết lực lượng cứu hộ của huyện đảo này vẫn đang khẩn trương tìm kiếm 6 ngư dân mất tích do tàu đắm trên biển. Trước đó, ngày 27-7, lực lượng cứu hộ của huyện Cô Tô đã cứu sống 1 ngư dân của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), khi ngư dân này đang cố gắng bơi vào bờ. Ngư dân này cho biết tàu của anh gồm 7 người đang khai thác thủy sản trên vùng biển giữa Bạch Long Vỹ và Cô Tô thì gặp mưa lớn. Tàu đang di chuyển về Cô Tô thì bị đắm trong đêm 26-7.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Ngày 28-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân tỉnh Quảng Ninh sớm ổn định cuộc sống. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, bảo đảm không để người dân bị đói, khát; tiếp tục rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng.
Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ y tế hỗ trợ nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, không để phát sinh dịch bệnh; huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an trên địa bàn giúp nhân dân dựng lại nhà cửa và dọn vệ sinh môi trường.
Bình luận (0)