Quảng Ngãi: Tối 16-11, trên tuyến Tỉnh lộ 622 từ Trà Bồng lên Tây Trà xuất hiện thêm 3 điểm sạt lở thuộc địa bàn xã Trà Lãnh, gây ách giao thông lên huyện vùng cao Tây Trà. Huyện Sơn Tây đêm qua cũng xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở trên tuyến đường tỉnh lộ 623 Sơn Hà-Sơn Tây và hàng chục điểm sạt lở ở các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã, gây ách tắc giao thông.
Khắc phục ách tắc giao thông
Ngay trong ngày 17-11, các đơn vị thi công đã cố gắng san ủi thông đường. Tuy nhiên, đường từ trung tâm huyện về các xã ở các huyện Sơn Tây, Tây Trà, Sơn Hà, Ba Tơ, còn bị chia cắt. Phần lớn các xã ở các huyện này đều bị cô lập. Hệ thống thông tin liên lạc và điện nhiều nơi chưa khắc phục được. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm hai vợ chồng nạn nhân bị mất tích do sạt lở núi ở xã Sơn Dung-Sơn Tây.
Mưa lũ làm sụp, tốc mái 502 ngôi nhà, hàng trăm công trình bị ngã đổ, gây sạt lở 502 điểm, 99.945 nhà bị ngập nước. Tại huyện miền núi Ba Tơ một số thôn, tổ, khu dân cư các xã: Ba Xa, Ba Nam, Ba Lế, Ba Ngạc, Ba Giang, Ba Liên, Ba Tiêu, Ba Trang, Ba Khâm, và thôn Tân Long Trung xã Ba Động vẫn đang bị cô lập. Huyện Sơn Hà còn hơn 3.000 hộ bị cô lập ở các xã Sơn Cao, Sơn Linh và Sơn Nham.
Trời vẫn đổ mưa, 100% hồ nước toàn tỉnh Quảng Ngãi đã qua tràn, có khả năng gây nguy hiểm cho vùng hạ du.
*Chiều 17-11, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã tổ chức 3 đoàn đến thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho các gia đình có nạn nhân bị chết và mất tích do mưa lũ tại một số địa phương của tỉnh Quảng Ngãi.
Đoàn viên thanh niên trong tỉnh cũng kịp thời có mặt tại vùng lũ để ứng cứu người dân
Quảng Nam: Trên tuyến đường Tây thị trấn Trà My huyện Bắc Trà My, tại khu vực tổ Đàn Bộ tối 16-11 đã xảy ra một điểm sạt núi rất nghiêm trọng. Hàng ngàn khối đất đá từ sườn núi bị thấm mưa trong nhiều ngày qua đã đổ xuống vùi lấp toàn bộ hàng trăm mét đường, giao thông bị tắc nghẽn. Rất may, đất đá sạt lở đổ xệch và sát mép nên không xảy ra thương vong.
Hiện trường điểm sạt lở tại tuyến đường tránh qua thị trấn Trà My, suýt vùi lấp 3 nhà dân tại đây.
Vết sạt chỉ cách trụ điện cao thế khoảng 10m rất nguy hiểm.
Nguy hại hơn, vết lở đất chỉ cách trụ điện cao thế, thuộc đường dây truyền tải 220 KV, tải điện từ nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 về thành phố Tam Kỳ khoảng 10m nên trụ điện khổng lồ và quả núi này có thể ập xuống vùi lấp nhà dân bất cứ lúc nào.
Thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy. Sau khi xảy ra các sự cố thấm và động đất, thủy điện này hiện đang huy động phát tối đa công suất để hạn chế tích nước nên rất nguy hiểm nếu xảy ra ngã đổ. Do vậy, ngay trong sáng 17-11, đơn vị Truyền tải điện Quảng Nam Đà Nẵng đã huy động 36 kỹ sư và công nhân tức tốc tới hiện trường để xứ lý khẩn cấp. Qua kiểm tra, đơn vị này còn phát hiện nhiều vết nứt bất thường kéo dài rất nghiêm trọng ngay tại giữa lòng hệ thống trụ điện này.
Trưa và chiều 17-11, đơn vị này đã khẩn trương tiến hành gia cố, bổ sung thêm nhiều dây néo để giữ trụ tạm không cho ngã đổ và dùng tấm bạt che phủ vết nứt, ngăn nước nước mưa ngấm xuống các khe nứt.
Trải bạt ngăn nước mưa thấm vào các vệt nứt ở móng trụ điện cao thế, tránh bị nứt thêm do ấm nước mưa.
*Trong khi đó, cũng tại Quảng Nam, theo Ban chỉ huy PCLB huyện Đại Lộc, tính đến chiều 17-11, đợt lũ này khiến 43/61 trường học trên địa bàn bị ngập. 500 bộ đội được Tỉnh đội Quảng Nam điều về các trường để giúp khắc phục sau lũ.
Thầy cô trường THCS Mỹ Hòa, xã Đại An, huyện Đại Lộc tập trung dọn lũ để đón các em đến lớp sau lũ
Ông Huỳnh Công Quang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc-xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam) cho biết dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn đang có diễn biến phức tạp kể từ sau bão số 11 cho đến nay. Mỗi tuần có từ 65-90 ca nhiễm mới. Dự báo sau lũ, các dịch bệnh sẽ tăng mạnh ở các địa phương.
Bình luận (0)