Đến chiều 5-11, thi thể ông Phan Tư (SN 1966, ở Đắk Lắk - hành khách trên xe 16 chỗ bị nước cuốn ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đêm 4-11) vẫn chưa được tìm thấy. Trong ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Khánh Hòa đã điều động thêm lực lượng cứu nạn từ huyện Diên Khánh đến hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân.
Chủ quan là chết
Tối 4-11, nước từ thượng nguồn đổ về cầu tràn Thác Ngựa (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) nhiều, chảy xiết. Thế nhưng, khi điều khiển xe 16 chỗ ngồi từ Quốc lộ 26 đến đây, tài xế vẫn chủ quan cho chạy qua cầu thì bị nước cuốn trôi. Ông Phan Tư nhảy ra khỏi xe và bị nước cuốn mất tích.
Nhiều trường hợp khác thấy nước tràn qua đường nhưng vẫn đi qua và bị cuốn mất tích, tử vong. Đến nay, ở tỉnh Khánh Hòa đã có 6 người chết và 1 người mất tích dù mới mưa vài ngày.
Trong khi đó, đến ngày 5-11, khi mưa đã tạm ngớt, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa mới có công điện khẩn yêu cầu các địa phương rà soát, chủ động di dời dân khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức chốt chặn, không cho dân qua lại vùng ngập sâu, cầu tràn, sạt lở! “Theo quy định an toàn công trình, các đơn vị thi công phải rào chắn khu vực có khả năng gây nguy hiểm chứ không đợi Ban Chỉ huy PCTT-TKCN phát công văn nhắc nhở” - một lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Cùng ngày, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diên Khánh cũng phát công văn khẩn cấp yêu cầu các trường nếu nước lớn, nguy cơ lũ lụt, ngập đường thì cho học sinh nghỉ học. Công văn này chỉ được ban hành sau khi 4 học sinh ở huyện Diên Khánh chết đuối trên đường đi học về.
Tại Phú Yên, trưa 4-11, một nhóm thiếu niên ở xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa tranh thủ trời mưa, nước lớn ra đồng bắt chuột. Trong đó, Lê Văn Nhất (16 tuổi) không may bị nước cuốn tử vong.
Ách tắc giao thông
Mưa kéo dài 4 ngày qua tại tỉnh Bình Định cũng khiến nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là ở các huyện miền núi. Tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh, mưa đã khiến nhiều đoạn taluy dài hàng km trên đường lên dốc Chăm Chi bị sạt lở; một số tuyến đường đang thi công bị gần 500 m3 đất đá đổ xuống, chia cắt giao thông. Ngoài ra, nước lớn cũng đánh sập móng cầu tràn Cà Chuối.
Tại huyện An Lão, tỉnh Bình Định, những tuyến đường lên các xã vùng cao cũng bị hàng trăm khối đất đá đổ xuống gây ách tắc giao thông. Chính quyền địa phương đang huy động nhiều nguồn lực để khắc phục tình trạng này.
“Địa phương vừa trải qua đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng khiến nhiều vùng đất bị nứt nẻ. Vậy nên khi mưa xuống dồn dập làm đất đá tại nhiều điểm bị sạt lở” - ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, giải thích.
Tại Ninh Thuận, mưa cũng gây sạt lở núi, làm tắc đường ven biển - một trong những tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh này. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Ninh Thuận, đến chiều 5-11, có 8 điểm sạt lở núi trên đoạn Cà Ná - Mũi Dinh, huyện Thuận Nam dài hơn 2 km và 1 điểm ở đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải với tổng lượng đất đá hàng chục tấn đổ xuống đường.
Ông Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Ninh Thuận, cho biết dù ngành đã huy động rất đông công nhân để dọn dẹp nhưng do tình trạng sạt lở núi khá nặng nên ít nhất 3 ngày tới, xe cộ mới có thể lưu thông qua cung đường này. Đây là lần sạt lở núi thứ hai làm tắc đường ven biển Ninh Thuận trong vòng 10 ngày qua.
“Thác” trên đường phố!
Những ngày qua, dù lượng mưa không lớn nhưng nhiều tuyến đường chính ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn ngập sâu. Nhiều đoạn nước chảy xiết cuốn trôi người và xe máy, nhất là 2 tuyến đường Nguyễn Tất Thành và Lê Duẩn.
Tại ngã tư Nguyễn Tất Thành - Trần Hưng Đạo, nước đổ về ầm ầm, cuốn trôi rất nhiều người và phương tiện. Ông Nguyễn Yên Lực (ngụ phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) kể lại: “Ngày 5-11, tôi đi xe máy qua đây, đang lưỡng lự chạy tiếp hay không thì nước ào ào đổ về cuốn cả người và xe. May mà tôi gượng dậy được, còn xe trôi hàng chục mét mới được người đi đường vớt lên”.
Tại đoạn giao nhau giữa đường Lê Duẩn - Nguyễn Viết Xuân đến cầu Trắng, do độ dốc khá lớn nên nước chảy như thác. Đây là cửa ngõ TP Buôn Ma Thuột, mật độ phương tiện dày đặc nên hàng trăm người và xe đã bị nước cuốn trôi, giao thông tắc nghẽn nhiều giờ liền. Theo bà Trần Thị Thơm, người dân sống cạnh cầu Trắng, hễ mưa là trên đoạn đường khoảng 500 m này lại xảy ra tai nạn, từ thương tích nhẹ đến chết người. Từ tháng 7 đến nay, tại TP Buôn Ma Thuột đã có 2 người tử nạn liên quan đến dòng nước trên đường.
Ông Bùi Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đô thị - Môi trường Đắk Lắk, cho rằng nguyên nhân gây ngập là do hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột thiếu đồng bộ. Trục đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tất Thành có tổng cộng 9 gói thầu thuộc 2 dự án thoát nước được phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng hiện chỉ làm được 3 gói, còn lại không có kinh phí. Trong khi đó, gần đây, hàng trăm héc-ta cà phê, cao su xung quanh đã bị chặt bỏ nên toàn bộ nước ở khu vực rộng lớn đổ hết về đường Nguyễn Chí Thanh, xuống Nguyễn Tất Thành rồi dồn về trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Dự án thoát nước trên đường Lê Duẩn cũng có từ lâu nhưng sau bao nhiêu năm vẫn chưa có vốn thực hiện.
Theo ông Quý, nhiều tuyến đường khác ở Buôn Ma Thuột không có hệ thống thoát nước nên mưa là ngập. “Mỗi khi trời mưa, chúng tôi chỉ còn cách điều toàn bộ
CB-CNV ra chốt chặn các điểm quan trọng để hỗ trợ người đi đường” - ông Quý nói.
Mổ heo bệnh chết đem bán
Trưa 5-11, Chi cục thú y, Trạm Thú y Biên Hòa cùng Đội QLTT số 2 tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra cơ sở giết mổ tự phát tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai do bà Phạm Thị Mai làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra có 3 nhân công đang mổ 2 con heo đã chết do mắc bệnh, đổi màu tím tái, tổng trọng lượng trên 200 kg. Ngoài ra, trong chuồng còn 5 con heo đang chuẩn bị được giết mổ cũng không có giấy kiểm dịch. Chủ cơ sở khai đã mua heo chết từ huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) về xẻ thịt chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tiêu hủy toàn bộ thịt và nội tạng của 2 con heo bệnh đã được mổ, số heo không có giấy kiểm dịch cũng bị đưa về lò giết mổ tập trung để lấy mẫu xét nghiệm.X.Hoàng
Bình luận (0)