Câu trả lời về việc ai được hưởng lợi trong chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng tại cuộc họp báo về kết quả mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2012-2013 tại ĐBSCL do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 14-5 ở Hà Nội.
Trả lời về việc ai được hưởng lợi theo cơ chế thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nói Chính phủ, các bộ, ngành cũng như VFA đang tìm một chính sách phù hợp để làm sao giúp nông dân hưởng lợi tốt nhất, hưởng lợi trực tiếp đồng thời làm sao để sản phẩm của nông dân khi thu hoạch tiêu thụ được dễ dàng, được giá. Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận dù đã cố gắng nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp để đạt được mong muốn đó vì “lực” của chúng ta yếu quá, không có đủ tiền (?!)
Đánh giá về chính sách hưởng lợi, ông Trương Thanh Phong cho rằng VFA thu mua lúa tạm trữ được hỗ trợ lãi suất 3 tháng nhưng từ năm 2012 đến nay, doanh nghiệp (DN) luôn gặp khó vì khi mua thì giá cao nhưng khi bán thì giá thấp. Ở vụ đông xuân, so chênh lệch giá từ lúc mua tạm trữ đến thời điểm tồn kho hiện nay thì DN đang lỗ hơn 30 USD/tấn trong khi nông dân chỉ bị giảm 5,4- 6,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012.
Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc việc hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo để có cơ sở tiếp tục xem xét, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
VFA cho biết trong tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt 807.000 tấn, giá trị đạt 340 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ước đạt 2,38 triệu tấn (tăng 7,6%) và kim ngạch đạt 1,04 tỉ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu không cao, một nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam thấp hơn giá gạo thế giới là do các DN thu mua lúa gạo với nguồn lực yếu nên đã giảm giá xuất khẩu để giảm áp lực về vốn, lãi suất.
T.Dũng |
Nông dân lợi hơn nếu địa phương mua tạm trữ Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, cho rằng nên giao việc tạm trữ lúa gạo lại cho các địa phương. Sản lượng hằng năm tại Hậu Giang từ 1 triệu-1,2 triệu tấn lúa nhưng mỗi năm, VFA giao thu mua tạm trữ cao nhất chỉ tương đương 50.000 tấn lúa, như vậy là quá thấp. Theo ông Hùng, từng địa phương sẽ biết nông dân trong tỉnh thu hoạch lúc nào để thu mua tạm trữ, khắc phục tình trạng giao tạm trữ trễ thường gặp khi VFA làm. Điều băn khoăn của các địa phương là VFA mới chỉ “trả dây cương” trong phân bổ chỉ tiêu tạm trữ gạo mà vẫn giữ quyền phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu khiến nhiều DN tạm trữ lúng túng, vì nếu tạm trữ nhiều mà xuất khẩu không bao nhiêu sẽ dẫn tới lỗ nặng. Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho biết nếu Chính phủ giao quyền thu mua tạm trữ lúa gạo cho các tỉnh sẽ giúp tình hình được cải thiện hơn bởi cách làm hiện nay của VFA không đáp ứng mong mỏi của người trồng lúa khi mà giá cả vẫn luôn bấp bênh, lợi nhuận thấp, nông dân thiệt hại nặng khi VFA thu mua quá chậm. Để bảo đảm an ninh lương thực, Chính phủ giao trách nhiệm cho Cục Dự trữ chỉ đạo giao chỉ tiêu cụ thể cho từng tỉnh, số còn lại dùng cho xuất khẩu. Các tỉnh cũng có trách nhiệm với Chính phủ trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, chủ động hơn trong việc thu mua lúa trong dân để tạm trữ, nông dân cũng không còn lo sợ lúa rớt giá vào đầu vụ hay giữa vụ. Còn theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, phương án này được kỳ vọng sẽ giúp địa phương chủ động hơn trong thu mua tạm trữ, địa phương cũng sẽ hỗ trợ các DN thu mua tạm trữ có đầu ra cho xuất khẩu ở các thị trường mới.
C.Linh - Th.Nốt |
Bình luận (0)