Đặc biệt là vì rơi đúng vào chủ nhật và là ngày đầu tiên của tháng 3 - thời điểm bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2014-2015. Có mặt trong buổi triển khai tại TP Cần Thơ, đại diện của tất cả các tỉnh, thành ở vựa lúa ĐBSCL đều cảm thấy phấn khởi và mừng cho nông dân. Bởi lẽ trước Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân thu hoạch lúa sớm nhưng chỉ bán được với giá dưới 4.000 đồng/kg - hoàn toàn trái ngược với các loại nông sản khác mỗi khi “một mình ra chợ” sẽ có giá cao chót vót.
Mừng là vậy nhưng về lâu dài, nhiều người trong cuộc vẫn lo lắng tình trạng “được mùa - rớt giá” vì giá lúa lâu nay đều do các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nắm quyền “sinh sát”. Họ có thừa chiêu trò để điều khiển vòng quay của giá lúa từ thấp lên cao và ngược lại. Một lãnh đạo của tỉnh Kiên Giang phải thốt lên rằng: “Cứ mỗi khi đến đợt triển khai thu mua tạm trữ thì DN mới cho giá lúa nhích lên, sau đó lại cho rơi xuống vực thẳm. Nếu nhà nước cứ bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho DN trong mỗi đợt thu mua tạm trữ thì e rằng sẽ không cứu được nông dân về lâu, về dài”.
Ngay cả Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám cũng thừa nhận việc thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp tình thế chứ không bền vững. Đó không phải là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà chỉ là giải pháp can thiệp vào thị trường lúa gạo mỗi khi đến thời điểm thu hoạch rộ. Vì thế, trước và sau khi đợt triển khai thu mua tạm trữ diễn ra, giá lúa gạo sẽ quay về quỹ đạo cũ là điều khó tránh khỏi nếu các bộ, ngành, địa phương không mau chóng tìm ra giải pháp nào căn cơ, tối ưu để cứu nông dân.
Đề cập giải pháp cứu dân và cứu khoảng 3,3 triệu tấn lúa còn lại của vụ đông xuân năm nay, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết sắp tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra các giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để tìm đầu ra ổn định cho hạt gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề trước mắt cần quan tâm đó là việc các DN có làm tròn bổ phận của mình trong đợt thu mua tạm trữ lúa gạo lần này theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hay không bởi theo báo cáo của VFA, trong đợt thu mua tạm trữ lần trước, một số DN sau khi nhận chỉ tiêu và được hỗ trợ lãi suất đã viện đủ lý do để trả lại chỉ tiêu hoặc thu mua cho có khiến nông dân bán lúa gặp rất nhiều khó khăn. Lần này, Bộ NN-PTNT và VFA đã phát ra cảnh báo sẽ lập đoàn giám sát để “xử” những DN nào đã được giao chỉ tiêu mà không thực hiện hoặc thực hiện chiếu lệ. “Đấy cũng là cách để cứu nông dân” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
Mong quan chức các bộ, ngành nói đi đôi với làm, đừng để người trồng lúa mừng hụt!
Bình luận (0)