xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mùa xuân người cầm súng

Lưu Nhi Dũ

Tặng đồng đội tôi, những cựu chiến binh Trung đoàn 812 – sư đoàn 309 anh hùng.

Cuối năm, bài hát Happy new year của ban nhạc ABBA lại vang lên chúc mừng năm mới. Bài hát cũ nhưng năm mới thì rất mới nên bao giờ bài hát cũng mới, với những lời chúc đằm thắm. Nhưng thú thật tôi không mê bài này bằng khúc tráng ca của những người lính chúng tôi…
 
Biên giới Campuchia - Thái Lan đầu mùa khô 1979 lạnh lẽo mờ sương. Cái lạnh lẽo ấy báo hiệu một mùa khô gay gắt chứ không phải mùa xuân. Ở cái xứ sở này chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng nếu bạn nhạy cảm cũng thấy một chút sương khói hương xuân ở độ giao mùa thoáng chốc. Đó là cái mùa nửa xuân nửa thu, trời dìu dịu, hanh hao, về sáng lành lạnh, trưa nóng hầm hập. Hãy cứ tạm gọi đó là xuân.
 
Đội trinh sát của chúng tôi đã gần xong nhiệm vụ để chuẩn bị cho một chiến dịch trong nay mai. Trên đường từ trận địa của địch rút ra, thằng Tú giẫm phải mìn hy sinh. Xác của Tú vùi vội dưới một táng cây lớn trong làn đạn cối 82 ly của địch bắn cấp tập.
 
Tú mới 20 tuổi, 2 tuổi quân, tuổi xuân, rất xuân, chết giữa mùa xuân biên giới. Đời chiến binh là vậy, những cái chết bất ngờ, những cuộc ra đi đột ngột đến nỗi không kịp bàng hoàng. “Thôi, nằm đó Tú nhé, nay mai chúng mình đến đưa bạn về” - đại đội trưởng chúng tôi nói như dặn dò, từ biệt Tú...
 
img
Một lần cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa ở Phnom Penh (Campuchia)
  
Liên lạc được với trinh sát Mặt trận, gần một giờ sau chúng tôi đã vào một hang đá, ở đó có một phân đội trinh sát Mặt trận, chờ phối hợp. Ba ngày nữa chiến dịch bắt đầu và hình như đó là ngày mùng một Tết. Tôi đã ăn vài ba cái Tết ở chiến trường và hầu như Tết cũng đồng nghĩa với các chiến dịch. Đó cũng là cách “ăn Tết” của người lính chiến trường trong mịt mùng tiếng pháo và tiếng súng…
 
Tối đó, tụi trinh sát Mặt trận chơi đẹp, tuyên bố: “Ăn Tết đi tụi bây ơi”. Quái, trong hang đá nơi biên giới này có chi mà ăn Tết? Vậy mà có bánh chưng, thịt hộp và cà phê, trà! Kỳ diệu thay, vậy là những gương mặt lính hốc hác, quần áo te tua như người rừng có một bữa tất niên tuyệt vời, ấm áp trong hang đá ẩm ướt. Bỗng từ chiếc đài bán dẫn của đại đội trưởng vang tiếng hát ngọt lịm của Thu Hiền: “Mùa xuân người cầm súng, lộc giắt đầy trên lưng. Mùa xuân người ra đồng, lộc trải dài nương lúa. Đất nước bốn nghìn năm vất vả và gian lao…”.
 
Những đôi mắt, những khuôn mặt chai sạn màu của chiến tranh bỗng chùng xuống. Họ đang nghĩ gì? Tôi thấy hình bóng mẹ cha tôi còng lưng trên cánh đồng mùa đông giá lạnh… Và hình ảnh mùa xuân này, bên gốc mai vàng, dưới mái tranh nghèo, cha tôi đợi con về uống rượu tương phùng. Tôi biết cây mai ở nhà tôi nở hoa sung mãn, nó giống như một loài cây thiên thần, dù không chăm sóc gì nhiều, mỗi năm đến Tết đều đúng hẹn bung nụ chào xuân!
 
Đó là cuộc tất niên tôi nhớ đời, để đến bây giờ giữa phố thị giàu sang, giữa những chai rượu ngoại đắt tiền, những nhà hàng sang trọng thơm nức mùi nước hoa thượng hạng cũng không làm tôi xúc cảm.
*                *
 *
 
Hơn 30 năm sau, tôi là thương binh ¼, thương tật 95%, mất cả hai chân, ngồi xe lăn lăn trên cuộc đời. Vào một ngày đầu xuân, tự nhiên tôi có cảm giác ngưa ngứa ở hai bàn chân. Tôi nói với vợ tôi như vậy và nàng phì cười, bảo tôi tưởng tượng.
 
Không, tôi không hề tưởng tượng, đó là cảm giác rất thật. Có lẽ tôi nên tìm bác sĩ hoặc một nhà tâm lý nào đó để hỏi xem vì sao như vậy. Cả đêm trằn trọc không ngủ được. Tôi bỗng nhớ đôi chân của mình da diết và tưởng tượng giá như mình còn đôi chân… Ôi, tất cả là phi lý, cái phi lý đến tận cùng, bởi tại sao một phần xương thịt của cha mẹ cho tôi lại bị mất đi?
 
Trong giấc mơ nặng nhọc đêm ấy, tôi thấy mình xách đại liên rượt theo một thằng Pôn Pốt. Hắn, chính hắn đã lấy mất đôi chân của tôi và tôi quyết giành lấy cho bằng được. Cuộc rượt đuổi bất tận và tuyệt vọng. “Thằng khốn nạn” - tôi buột miệng chửi tục bằng tiếng Khmer và choàng tỉnh.
 
Mồ hôi ướt đẫm trên một phần còn lại của thân thể tôi. Tôi đã thất bại. Vợ tôi ngồi bên cạnh, những giọt nước mắt của nàng lăn nhẹ trên má. Những giọt nước mắt ấy đã quá quen thuộc với tôi mỗi khi trái gió trở trời, các vết thương thi nhau hành hạ tôi.
 
Sáng hôm sau tôi rủ vợ cùng lên nghĩa trang Tân Biên (Tây Ninh) để thăm mộ thằng Tú. Cách đây mấy năm về quê, tôi có đến thăm mẹ Tú. Đó là một người mẹ liệt sĩ cô độc như bao bà mẹ liệt sĩ khác. Bà lặng lẽ ngồi dưới hàng cau trĩu buồng, lẩm bẩm một mình.
 
Khi tôi đẩy chiếc xe lăn đến gần mẹ, mẹ giật mình: “Thằng Tú hả con?”. “Không, mẹ ơi, con, đồng đội của Tú đây!”. Hình như tôi khóc. Bà ôm choàng lấy tôi: “Ước gì thằng Tú cũng chỉ mất hai chân như con…”. Lần đó tôi mới biết Tú đang ở nghĩa trang Tân Biên…
 
Nghĩa trang Tân Biên buổi sáng mùa xuân lạnh ngắt. Vợ tôi thắp nhang cho từng ngôi mộ quanh chỗ Tú nằm. Mùi khói hương quyện lên từng ngôi mộ. Không gian như lay động. Hình như có tiếng những con người rì rầm từ cõi xa xăm. Để xua tan không khí u trầm ấy, tôi nói với vợ, thằng Tú ngày xưa múa hay lắm, đặc biệt múa Lâm Thôn tuyệt vời.
 
Nàng cười, nói, bây giờ cả anh và anh Tú chẳng ai có thể múa được nữa rồi! Tôi nói, được, anh vẫn múa được vì anh còn đôi tay. Tôi giơ đôi bàn tay trước mặt nàng. Đôi bàn tay, cánh tay chắc nịch, bởi hơn ba mươi năm qua nó đã kiêm luôn chức năng của đôi chân đã mất, nên nó rắn rỏi như đôi tay của võ sĩ quyền Anh. “Em biết không, với điệu múa Lâm Thôn, động tác tay rất biểu cảm”. Nói rồi tôi múa cho nàng xem và khẳng định rằng, chỉ còn lại đôi tay, tôi có thể làm được tất cả… Nàng cười, trong đáy mắt có nước…
 
Tôi nhớ anh em trong đội trinh sát, nhớ những cuộc luồn rừng bám địch, nhớ bữa tất niên tuyệt vời trong hang đá mà Tú không có diễm phúc được dự. Tôi lấy điện thoại, mở bản nhạc “Một mùa xuân nho nhỏ” để Tú nghe. Bạn sẽ siêu thoát khi Lê Dung hát như ru bạn trong giấc ngủ ngàn trùng sâu thẳm: “Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời…Mùa xuân, mùa xuân…Nước non ngàn dặm tình…”
 
Tôi thích bài thơ Trong chiều nghĩa trang của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là một bài thơ nói hộ cho những người đã nằm xuống, cho những cha mẹ liệt sĩ cô độc. Đó cũng là một bài thơ dành cho cả những ai lỡ vấy bẩn cuộc đời kim tiền bất chính, bất chấp đạo lý, lương tâm, mà khi đọc nó hy vọng sẽ làm cho họ trở nên thanh khiết hơn, dù một phần “con người” trong họ chẳng còn bao nhiêu.
 
Tôi nhớ đến mẹ Tú. Biết mẹ đã từng đến đây mỗi năm và chỉ ra về khi nghĩa trang gió lạnh, đầy sương. Tôi biết mẹ đã nhiều lần đắng lòng ra về dù đôi lần mẹ đã quyết tâm đưa con mình về quê nhưng bà không nỡ để đồng đội con cô độc. “Các con về với mẹ một đêm thôi/ Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình phụt tắt/ Cho nồi cơm thêm một lần đầy đặn/ Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm…”. Và dưới hàng cau trĩu buồng “con chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối/ Cau mười mấy năm vô ý trổ buồng đôi”…(Thơ Nguyễn Quang Thiều).
 
Ừ, hàng cau nhà bạn hơn ba mươi năm vẫn trổ buồng đôi. Còn bạn, xin lỡ hẹn với những buồng cau đôi vô tình ấy, bạn đang làm “một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời…”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo