Xuất phát từ ý tưởng thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày lên ngôi của nhà vua Thái Lan, Hội đồng Đại học (ĐH) thuộc Bộ Giáo dục Thái Lan phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Các hiệu trưởng ĐH thế giới vào cuối tháng 7 vừa qua tại Bangkok, với sự tham dự của hơn 1.600 người của hơn 600 trường, viện từ 88 quốc gia. Kể từ Hội nghị về giáo dục ĐH do UNESCO tổ chức tại Paris năm 1998, thì hội nghị thượng đỉnh này với chủ đề “Đa dạng và hòa hợp” thực sự là ngày hội của giáo dục ĐH toàn thế giới về quy mô, nội dung và hình thức tổ chức.
Một trong những đánh giá quan trọng từ hội nghị là quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra rất nhanh và ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục ĐH. Một mặt, các hệ thống ĐH tự tìm ra những con đường riêng để thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình; mặt khác, các hệ thống tiến lại gần nhau thông qua con đường hợp tác, liên kết nhằm huy động chung sức mạnh và nguồn lực. Hội nhập làm bộc lộ rõ các ưu và khuyết điểm của mỗi hệ thống. Do vậy, việc tận dụng mọi cơ hội để phát triển là bài toán từng hệ thống cần phải tìm ra được lời giải. Hội nghị cũng đã tổng kết các vấn đề sau đây:
1. Thừa nhận và tôn trọng sự đa dạng (diversity) và khác nhau giữa các hệ thống ĐH. Thực tế là vừa có sự cạnh tranh vừa có sự hợp tác giữa các hệ thống; vấn đề là làm thế nào để sự hợp tác trở thành chủ đạo. Tăng cường hợp tác còn giúp giảm thiểu chảy máu chất xám (brain drain).
2. Nền kinh tế tri thức trong toàn cầu hóa đã làm gia tăng nhu cầu học tập ở bậc ĐH mà không một chính phủ nào có thể đáp ứng nổi. Đa dạng hóa các nguồn lực, các chương trình, loại hình, phương thức đào tạo trong và ngoài biên giới giữa các quốc gia là tất yếu.
3. Toàn cầu hóa không chỉ nhắm đến nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và lợi nhuận thương mại. Vấn đề là còn tăng cường yếu tố đạo đức, bản sắc của xã hội, giá trị nền tảng của ĐH và việc đề cao nền giáo dục chất lượng.
4. Sức mạnh của quản trị ĐH là vấn đề bảo đảm chất lượng; dù hình thức đào tạo nào đi chăng nữa thì phải có cùng một chất lượng. Toàn cầu hóa phải nhắm đến việc công nhận giá trị bằng cấp đào tạo giữa các hệ thống để tạo sự liên thông, hợp tác lẫn nhau, giúp cho việc chuyển đổi sinh viên và chương trình đào tạo dễ dàng hơn.
5. Hòa hợp giữa các hệ thống ĐH còn thúc đẩy việc quốc tế hóa nội dung và chương trình đào tạo và sự ứng dụng công nghệ mới trong dạy và học, đặc biệt việc phát triển e-learning. Đây cũng là điều kiện để hướng đến xây dựng người công dân toàn cầu.
6. ĐH phải thỏa mãn nhu cầu học tập của mọi người, mọi đối tượng và mọi vùng miền, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng thiệt thòi và các vùng khó khăn. Càng tạo nhiều cơ hội tiếp cận càng tốt, đề cao công bằng xã hội và phải tạo các điều kiện và môi trường khác nhau hướng đến tự học chủ động (autonomous learning) và học tập suốt đời (lifelong learning).
7. ĐH phải tăng cường nghiên cứu khoa học cơ bản và nhắm đến hợp tác liên ngành giữa các ngành khoa học khác nhau, trong đó không được xem nhẹ các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
8. Đẩy mạnh sự hợp tác giữa ĐH và công nghiệp, doanh nghiệp, cộng đồng nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ giảng dạy và phục vụ trong nhà trường, cũng như tăng cường tích thích nghi và kỹ năng sống và làm việc cho sinh viên.
9. Tiếp tục đề cao tính tự chủ (autonomy) cũng như tăng cường trách nhiệm xã hội (responsibility) của giáo dục ĐH.
10. Ổn định xã hội bắt nguồn từ sự hòa bình trong suy nghĩ và yên ổn trong tâm hồn. Do đó, trong nội dung đào tạo cần tăng cường nội dung giáo dục về hòa bình và hợp tác, cũng như thích nghi với môi trường đa văn hóa và phát triển bền vững.
Bình luận (0)