Là người nhấn nút chất vấn đầu tiên, đại biểu (ĐB) Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đặt vấn đề nhiều chương trình, dự án dạy nghề đã triển khai song tồn tại nhiều bất cập, không phát huy hiệu quả, gây lãng phí dẫn đến hiện tượng phổ biến “có trường, có thầy nhưng không có trò”. Cùng bức xúc về đào tạo nghề, ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) hỏi: “Tỉ lệ đào tạo nghề nông thôn còn thấp, chưa tạo ra việc làm mới, bộ trưởng có giải pháp gì?”
Xung quanh vấn đề tiền lương, ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn, trong 4 tháng đầu năm 2013, cầu lao động tăng 0,9% nhưng Bộ LĐ-TB-XH lại xin giãn lộ trình điều chỉnh tiền lương. “Vậy xin hỏi bộ trưởng, khi tham mưu cho Chính phủ về tiền lương tối thiểu, Bộ LĐ-TB-XH có tính đến quy luật cung - cầu và tính đến niềm mong chờ của người lao động đối với việc điều chỉnh tiền lương chưa?” - ông Hải chất vấn.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết hằng năm, Bộ LĐ-TB-XH xây dựng lộ trình quy định tăng lương tối thiểu để các DN có căn cứ để trả lương cho người lao động. Năm 2012, khi xây dựng tiền lương tối thiểu vùng, mức cao nhất là trên 2 triệu đồng thì có 2 luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng tăng như vậy mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Còn ý kiến thứ 2 lại cho rằng tăng như vậy là không biết chia sẻ với DN bởi trong lúc DN khó khăn lại tăng lương. Tuy nhiên, “là cơ quan làm chính sách, chúng tôi thấy rất cần lộ trình và quy định 4 vùng để tăng lương vì nó phù hợp trong bối cảnh khó khăn. Người lao động và DN phải cùng chia sẻ” - bà Chuyền nói.
ĐB Trần Thanh Hải chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền bởi theo ông Hải, điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2013, công bố ngày 4-12-2012, chỉ có 26 ngày để chuẩn bị, gây khó cho DN. Mức điều chỉnh tăng cũng thấp hơn so với mức thấp nhất so với các phương án mà Bộ LĐ-TB-XH đã trình Chính phủ. Hệ quả là quan hệ lao động diễn biến hết sức phức tạp.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tiếp tục diễn ra vào sáng nay, 14-6.
1.400 hồ sơ giả đối tượng chính sách Theo bà Chuyền, các tỉnh đã thanh tra trên 1.400 hồ sơ làm giả hồ sơ thanh niên xung phong, người có công bị nhiễm chất độc hóa học; thu hàng ngàn tỉ đồng. Còn ngành LĐ-TB-XH thanh tra ở 37 tỉnh đã phát hiện và thu hồi gần 600 tỉ đồng. Đáng chú ý, có tình trang khai man hồ sơ ở địa phương khác thì không được hưởng chế độ nhưng về Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Hà Nội lại được “làm mới” để tiếp tục hưởng chính sách. |
Bình luận (0)