“Thiếu người giúp việc như mất đi cánh tay phải!”. Lời tự sự này của một chủ nhà nghe có vẻ hơi quá nhưng đó là thực tế đối với không ít gia đình trong đời sống luôn bộn bề với con cái và công việc. Ngoài những “ô sin” phản chủ, trên thực tế có không ít người làm công việc giúp việc nhà đã để lại ấn tượng tốt cho gia chủ.
Xem “ô sin” như quản gia
Còn phương châm của chị Hồng Nhung (ngụ khu dân cư Bình Trị Đông, quận Bình Tân -TPHCM) là không bao giờ dùng từ “ô sin” với người giúp việc. “Có khách đến chơi, vợ chồng tôi đều giới thiệu là em ở quê hay chị bà con để họ cảm thấy được tôn trọng, ngay cả với con cái, chúng tôi cũng dặn dò phải nghe lời và xem người giúp việc như anh chị trong nhà. Được đối xử như vậy thì bao giờ họ cũng hết lòng với mình” - chị Nhung chia sẻ.
Giúp gia chủ là giúp chính mình!
Còn chị Hoàng Chi (nhà ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức -TPHCM) chia sẻ kinh nghiệm tìm người giúp việc: “Tôi thích tìm “ô sin” làm theo giờ, hết việc đi về hơn là ở chung với gia đình. Khi người giúp việc làm theo giờ, chủ nhà có thể quan sát được cung cách làm việc, thái độ của họ, có gì không vừa lòng thì chấn chỉnh ngay. Hiện người giúp việc cho gia đình tôi là một sinh viên, mỗi ngày làm từ 17 giờ đến 20 giờ. Sau khi tôi đón con từ trường mầm non về, cô ấy giúp tôi tắm cho cháu, nấu cơm, rửa chén và lau dọn nhà. Cô sinh viên này rất siêng năng, nắm việc nhanh nên tôi rất ưng ý!”.
Người giúp việc tuyệt vời! Ông Lê Quang Ngộ (80 tuổi, ngụ quận 3-TPHCM) xúc động khi lật lại những tấm ảnh lễ tang bà Trần Thị Quan (SN 1920, quê Quảng Nam), người giúp việc cho gia đình ông suốt 49 năm. Ông bà Lê Quang Ngộ và con cháu tại lễ tang người giúp việc - bà Trần Thị Quan (ảnh do gia đình ông Ngộ cung cấp)
Ông Ngộ tự hào khi kể về người giúp việc: “Đó là một người giúp việc tuyệt vời, tất cả 9 đứa con tôi đều do một tay bà ẵm bồng, chăm sóc. Tôi làm nghề giáo, vợ tôi cũng tất bật việc mua bán nên một tay bà Quan chu toàn việc bếp núc, nhà cửa, đưa đón các cháu đi học…”. Tình cảm gia đình ông Ngộ dành cho người giúp việc này cũng rất đặc biệt, các con ông Ngộ khăng khít với bà Quan như người mẹ thứ hai.
Ngày bà Quan qua đời, do bà không còn người thân, gia đình ông Ngộ đã đứng ra lo hậu sự chu tất. Rất đông người trong xóm, họ hàng ông Ngộ đã đến viếng và tiễn đưa bà về nơi an nghỉ. Thể theo nguyện vọng của người giúp việc khi còn sống, toàn bộ số tiền bao năm dành dụm của bà Quan đã được gia đình ông Ngộ gửi làm từ thiện. Ph.Dũng |
Bình luận (0)