Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong rất hoan nghênh việc làm của quận 1 và kêu gọi các quận - huyện khác lấy lại vỉa hè. Ngay lập tức, các quận: 3, 12, Phú Nhuận, Bình Tân,… xuống đường đòi lại vỉa hè. Ngay cả ở TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm cũng xuống đường lập lại trật tự vỉa hè với những biên lai phạt, phạt cả người vứt rác ra hè phố, tè bậy…
Rồi đây nhiều địa phương khác cũng học tập TP HCM đòi lại vỉa hè nhưng coi chừng dễ trở thành phong trào khi thiếu các giải pháp căn cơ, có tính pháp lý, để cuối cùng như chuyện “bắt cóc bỏ dĩa” đã từng xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lên tiếng ủng hộ việc làm này, cho đây là “tin vui” nhưng đừng để “đầu voi đuôi chuột”.
Vỉa hè ở các thành phố lớn, đặc biệt như ở TP HCM, Hà Nội từ lâu đã trở thành nơi kinh doanh buôn bán, hình thành nên giá trị “kinh tế vỉa hè”. Nếu chịu khảo sát, không hiếm những hàng quán lấn chiếm vỉa hè có doanh thu rất cao, nhiều người làm giàu từ vỉa hè, thậm chí chỉ cần vài mét vuông vỉa hè cũng đủ nuôi sống cả gia đình và hầu như không thuế má. Đó là một trong những lý do vỉa hè ngày càng bị lấn chiếm.
Từ lâu, Bộ Tư pháp cũng đã có hướng dẫn quản lý, sử dụng đường đô thị, UBND các TP đều có quy định tương tự, mọi thứ tưởng như rất chặt chẽ nhưng cuối cùng vỉa hè lại là nơi dễ dàng chiếm lấy làm của riêng nhất!
Câu hỏi đặt ra là làm sao TP HCM đòi lại được vỉa hè một cách bền vững?
Chuyện này nên học tập kinh nghiệm của các thủ đô Paris - Pháp, Prague - CH Czech. Paris rất nổi tiếng với quán sá, đặc biệt là cà phê vỉa hè. Còn Prague là TP du lịch nổi tiếng. Chính quyền Paris quy hoạch rất rõ ràng, cho thuê lại từng mét vuông vỉa hè, ai lấn chiếm, phạt ngay. Tại Prague, ai muốn sử dụng không gian công cộng, chính quyền có thể cấp giấy phép, ký hợp đồng có thời hạn và phải đóng “lệ phí sử dụng không gian công cộng”. Tất cả có giá biểu quy định rất rõ ràng, công khai, nhà nước thu hoàn toàn, không thể thất thoát.
TP HCM muốn việc giành lại vỉa hè một cách căn cơ nên học tập cách làm đó trên cơ sở nghiên cứu thực tế đô thị của chính TP HCM.
“Kinh tế vỉa hè” ở TP HCM đã tồn tại từ lâu, nuôi sống nhiều hộ gia đình. Muốn giành lại vỉa hè bền vững, phải biết cách “sống chung” với đặc điểm này. Song song với việc giành lại vỉa hè, cơ quan chức năng cần làm mới các quy định, điều kiện sử dụng vỉa hè, cho thuê những diện tích vỉa hè có thể được mà không ảnh hưởng đến mỹ quan, giao thông. Phải ban hành các bảng giá cho thuê vỉa hè cụ thể từng khu vực, dài hạn, ngắn hạn, thông báo công khai tại UBND mỗi phường… Nếu làm được như vậy, ngân sách có thêm nguồn thu mà TP ngăn nắp, trật tự.
Bình luận (0)