Anh chị Tư tôi có đứa con trai đầu Trần Thế Sĩ vừa học vừa làm ở Sài Gòn, hứa Tết này về quê ăn Tết cùng gia đình. Chưa đến ngày hẹn mà anh Tư cứ đi ra đi vào, hướng đôi mắt về “đất phương Nam” mong con trai sớm về đoàn tụ với gia đình. Các em con ông cậu tôi có mấy người con đi làm ăn xa tận trong Nam và học hành trong đó, cũng tâm trạng mong ngóng, chờ lo như bao gia đình khác.
Mấy ngày nay, báo đài đưa tin những vụ xe "hôn" nhau mà ruột gan ai cũng lo ngay ngáy. "Nhanh một giây, hại cả đời", hồi trước, lên xe ai ai cũng thấy ghi dòng chữ nhắc nhở này bên hông xe. Các bác tài thấy đó mà chạy chậm chút nhưng cũng có người “cà chớn” trên từng cây số, để thiệt bản thân và hại nhiều người.
Tết đến muôn người lại tụ hội về quê. Ảnh minh họa, nguồn Internet
À mà, gần đây, đường huyết mạch từ Nam đến tận Bắc đã và đang làm khiến công trình thi công có nơi ậm ì ậm ự, nhất là cái đoạn “khúc ruột miền Trung”, chưa rõ cớ sự nào, con đường làm nham nham nhở nhở, thấy bắt ớn. “Có gì lạ đâu, việc giải toả đền bù mặt bằng giữa nhà nước và người dân chưa tìm tiếng nói chung, cũng như mình mua cái bánh nhưng người bán đòi hơi bị cao giá nên người mua cũng chưa …dám mua. Cầu mong công trình sớm hình thành, huyết mạch lưu thông cho thông thoáng, nạn tai không còn nữa, tiếng khóc thương đau chấm dứt!" - bà Tám Hiền vừa nhai trầu vừa chia sẻ nỗi niềm “đường xá” thời nay.
Lo ngai ngái cho bọn nhỏ vẫn chưa đến ngày về nhà nhưng rồi mọi người cũng chỉ có thể ngày ngày đốt hương khấn vái cho chúng nó "thuận buồm xuôi gió", "tai qua nạn khỏi" mà về tới nhà. Để rồi, ngày bọn nhỏ về, cả nhà lại tất tả ra đón, tất tả nói cười.
Làng tôi vừa đóng được một số người về sớm trong đó có má của mấy chị em con Mắn. Má chúng đi từ trước mùa mưa, chọn đất Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Còn ba chúng trước làm nghề “leo giàn giáo”, sớm chiều vôi sữa bám đầy mình trắng phếu. Cái nghề thợ hồ ở quê tiền công tuy không cao, nhưng cũng đủ nuôi mấy sếp nhỏ ăn học, gần gụi quê nhà. Rồi một chiều, trời không thương anh bị chấn thương cột sống vì rơi tự do từ cái giàn giáo ác nghiệt. Bác sĩ cứu mạng, nhưng cuộc đời anh từ ấy đến giờ gắn liền với cái giường ọp ẹp trong căn nhà nhỏ xuống cấp. Đang ngồi hầu chuyện với anh, tôi nghe giọng trẻ con reo: “Má về, ba ơi, ra đón má!”. Bất ngờ, một giọt nước mắt anh rơi khi nghe giọng con trẻ “ra đón má”. Anh vầy nè, sao mà đi cho được. Chị mang túi xách cùng mấy thứ đồ lỉnh khỉnh bước vào nhà cười tươi, anh chồng giơ cánh tay cha
Ở cạnh nhà tôi có vợ chồng anh Lắm Cụt (cụt một tay vì tai nạn trước đây). Anh đi lâu lâu mới về, vợ anh cũng theo chồng “Nam tiến”. Hồi Tết năm ngoái, anh về nhà trông trẻ ra, cười roi rói. Anh rủ tôi vào quán cà phê Xứ Nẫu bên sông Lại Giang nhâm nhi cà phê. Bất chợt anh ngân nga đoạn nhạc của ông Nguyễn Văn Hiên-một nhạc sĩ (đang sống ở Sài Gòn) có quê chôn nhau cắt rốn ở Bồng Sơn: “Dòng Lại Giang quê tôi nước xanh xanh bóng dừa, thấp thoáng con đò đưa…”. Giọng anh không hay cho lắm, có lẽ vì xa quê nay về thăm quê, tôi nghe anh hát thật là tình tứ…
Cũng như chị Diễm, anh Lắm Cụt, bao nhiêu phận đời cơ cực cứ sau ngày về quê ăn Tết, những chuyến xe chở họ ra khỏi đầu làng, qua khỏi con sông quê là họ biết mình ly hương vật lộn với đời nơi đất khách mưu sinh. Rồi, họ lại về quê ăn Tết…!
Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) quê tôi nghe đâu nay mai lên thị xã, thị xã trong tầm tay, nhiều công trình, nhà máy đêm ngày mọc lên “mời gọi” những nam thanh nữ tú đang ăn nơi phương xa, nay mai về quê làm ở những nơi này, không còn cảnh “chôn chân” nơi xứ người, mà gần nhà, gần gũi người thân, đỡ tốn kém thuê nhà trọ, nhẹ gánh vật giá nơi chốn phồn hoa, khỏi đi tàu xe cho đỡ tốn tiền và không gì sánh bằng “quê hương là chùm khế ngọt”.
Bình luận (0)