Trên chiếc xuồng giăng lưới bé xíu, anh cán bộ xã Phú Lộc, huyện Tân Châu - Đồng Tháp đưa chúng tôi ra giữa cánh đồng mênh mông nước. Dòng người chống xuồng đặt hom, giăng lưới, đánh bắt sản vật đông như trẩy hội. “Kéo chậm chậm thôi! Mẻ lưới này nặng quá, cá nhiều lắm đây” - tiếng ai đó la lên.
Đánh bắt sản vật
Vợ chồng anh Võ Văn Chính và chị Bùi Nguyễn Thị Liên ở xã Tân Công Trí, huyện Tân Hồng - Đồng Tháp chuyên kiếm sống bằng nghề đặt dớn (loại lưới đặt sâu dưới nước, cá chui vào không thể quay đầu ra được) trong mùa lũ hơn 10 năm nay. Vừa kiểm tra lại từng khoảnh lưới chuẩn bị đặt dớn, chị Liên hồ hởi: “Năm nay lũ lên sớm nên vợ chồng tôi tranh thủ đem dớn ra đắp vá lại mấy chỗ rách. Nước đã tràn đồng, ai chậm chân coi như hết cá bắt”. Năm nay, vợ chồng anh Chính mướn đồng ở tận biên giới Campuchia để đặt dớn. Với 500 m2 diện tích mặt nước, anh chị phải bỏ ra 3-4 triệu đồng thuê đến hết mùa lũ. Anh Chính giải thích: “Nằm trên thượng nguồn nên những cánh đồng biên giới cá rất nhiều”. Hiện ở ĐBSCL cũng có rất nhiều người đến biên giới thuê đồng để đánh bắt cá.
Tại cụm tuyến dân cư bờ Đông Nam Hang, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp, anh Trần Văn Tới đang tỉ mẩn vuốt từng cây cần câu chuẩn bị cho một mùa cắm câu mới. Anh Tới cho biết: “Mùa lũ năm rồi, vợ chồng tôi kiếm được mỗi ngày gần 100.000 đồng. Năm nay nước nhiều chắc khá hơn”.
Không giống như mọi người thường bắt ếch bằng cách soi hoặc cắm câu, vợ chồng anh Trần Văn Tẹc ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng - Đồng Tháp lại chuyên đặt lọp. Chuẩn bị cho mùa lũ năm nay, vợ chồng anh đã tậu 200 cái lọp. Mồi đặt ếch là da cá ba sa mua 2.000 - 3.000 đồng/kg. “Chiều tối chúng tôi đi đặt lọp, đến khoảng 4 giờ hôm sau mới đến dỡ. Hôm nào trúng thì mỗi cái lọp sẽ bẫy được 2- 3 con ếch, kiếm được khoảng 100.000 đồng” - anh Tẹc khoe.
Tất bật làng nghề
Mùa lũ về, không khí ở các làng nghề ĐBSCL nhộn nhịp hẳn lên. Từ cầu Thơm Rơm chạy dài xuống hai bên đường ấp Tân Lợi 2, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt - TP Cần Thơ, xóm lưới Thơm Rơm đã vào vụ sản xuất với những tay lưới mới toanh treo san sát. Viền phao, dập chì..., ai cũng tất bật với công việc của mình. Viền phao cho mỗi tay lưới được trả công 5.000 - 6.000 đồng, dập chì 6.000 - 7.000 đồng. Người nào cứng nghề thì cũng kiếm được 60.000 - 70.000 đồng/ngày.
Rời xóm lưới Thơm Rơm, chúng tôi đến xóm lưỡi câu Mỹ Hòa ở TP Long Xuyên - An Giang. Lưỡi câu Mỹ Hòa nổi tiếng mấy chục năm nay, rất được dân câu chuyên nghiệp ưa chuộng bởi độ sắc, bền. Nằm gọn trong một con hẻm nhỏ, xóm lưỡi câu Mỹ Hòa không kém phần nhộn nhịp, tất bật. Tiếng búa gõ khi chát chúa, lúc lẻng xẻng của những công đoạn đập đích, trui mũi, cắt ngạnh... lưỡi câu cứ vang lên không ngớt. Già, trẻ, trai, gái trong xóm hầu như đều tham gia làm lưỡi câu. Quan trọng nhất là công đoạn trui mũi lưỡi câu, thường những người có tay nghề cứng, tỉ mỉ, khéo tay mới làm được, đây cũng là khâu được trả tiền công cao nhất.
Khắp ĐBSCL, những làng nghề khác như đóng ghe xuồng, làm lọp... để phục vụ người dân mưu sinh trong mùa lũ cũng đang tất bật vào vụ. Tuy nhiên, trong không khí nhộn nhịp ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe thấy tiếng thở dài. Bởi, thị trường tiêu thụ của các làng nghề ngày càng thu hẹp theo số lượng cá, tôm...
Mùa móc đất đồng Suốt tuyến Quốc lộ 30 cặp kênh Hồng Ngự - Tân Hồng, nước tràn đồng trắng xóa. Những người móc đất đồng thuê đang hì hục lặn xuống, trồi lên móc từng mảng đất to đùng, nhão nhoẹt đưa lên những chiếc xuồng chuyển sang nơi khác để đắp bờ. Anh Nguyễn Văn Sông, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự, đứng trên chiếc xuồng chở đất đầy khẳm, miệng run lập cập do ngâm nước quá lâu, chìa bàn tay sần sùi về phía chúng tôi, than: “Bảy năm móc đất thuê là vậy đó, bảy đầu ngón tay đã bị hư do đất ăn. Nhà nghèo lại không nghề ngỗng gì cả, tôi chỉ đợi lũ về để móc đất thuê kiếm sống qua ngày. Móc mỗi xuồng đất tiền công chỉ khoảng 5.000 đồng. Vậy mà trước khi nước tràn vào đồng, chúng tôi phải thuê trâu cày 150.000 đồng/công để sau này móc đất cho mau và dễ”. Tương tự nghề cạp đất đồng, nghề móc xáng cơm cũng rộ hẳn lên khi lũ về. Nhiều gia đình đã bỏ tiền ra thuê người móc đất ở các sông, rạch, ao... để đắp lên bờ trồng cây. Móc xáng cơm không dùng tay mà có đồ nghề hẳn hoi, song cũng rất đơn giản: Một cái thùng bằng nhôm, thiếc hoặc inox, phía trên có tay cầm và một cái cây. Mỗi thùng đất móc lên được tính công khoảng 800 đồng. |
Bình luận (0)