xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mưu sinh nguy hiểm

Nhóm phóng viên

Dễ xin việc vì không yêu cầu trình độ, bằng cấp cùng với tiền công cao chính là lý do mà ngày càng có nhiều người lao động làm những nghề nguy hiểm

Tại TP HCM, nghề “phá nhà” (tháo dỡ công trình cũ) đã phát triển thành dịch vụ, thu hút nhiều lao động phổ thông đến từ các địa phương miền Trung và miền Bắc. Các lao động thường liên kết với nhau thành từng nhóm và làm việc cho một chủ thầu chuyên “săn” nhà cũ.

Bất cẩn là sẩy chân

Anh Mã Văn Thanh (37 tuổi, quê Thanh Hóa), làm nghề “phá nhà” được 14 năm, cho biết tiền công hiện tại mỗi ngày là từ 300.000-350.000 đồng. “Đây là mức tiền khá cao nhưng hiểm nguy lúc nào cũng rình rập, chỉ một chút bất cẩn là dẫn đến sẩy chân trượt ngã từ trên cao” - anh Thanh nói. Hiện tại, anh Thanh vừa là lao động phá dỡ vừa là “ông chủ”.

Theo anh, đây là nghề bỏ công làm lời và vì nó nguy hiểm nên phải mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động để phòng ngừa rủi ro. “Năm ngoái, có một người vì bất cẩn giẫm ổ điện nên bị giật chết, tôi phải đền bù rất nhiều” - anh cho biết.

Một công nhân chui xuống cống nước ngập ngang ngực để nạo vét bùn Ảnh: Lương Sơn
Một công nhân chui xuống cống nước ngập ngang ngực để nạo vét bùn Ảnh: Lương Sơn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người làm nghề này khoảng 20-40 tuổi vì sức khỏe tốt mới chịu đựng được những việc nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng có những lao động lớn tuổi vì kiếm sống nên phải bám trụ với nghề mà quên hẳn việc mình đã qua rồi cái tuổi bán sức lao động.

Chúng tôi gặp ông Đặng Văn Thành (53 tuổi, quê Vĩnh Phúc) trong lúc ông đang phá dỡ bê tông một công trình ở quận 5. “Đây là công việc bấp bênh, thất thường, phải lo nhiều chi phí ăn ở nên chẳng dư dả được gì” - ông cho biết. Phải làm việc liên tục trong môi trường độc hại và tiếng ồn nên những người theo nghề này thường mắc bệnh hô hấp. Biết thế nhưng vì cuộc sống, họ vẫn chấp nhận bán sức để lấy tiền.

Do không có trường lớp nào đào tạo nghề này nên để tồn tại, họ phải học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Người trước truyền lại cho người sau, người mới thì phải quan sát cách làm của người cũ, học cách sử dụng máy móc sao cho an toàn và hiệu quả.

“Thấy vậy chứ không dễ, phải nhìn và phán đoán chính xác khối bê tông đó khoan, cắt, tháo dỡ bằng cách nào để ít tốn sức, nhanh chóng và an toàn nhất” - anh Thanh nói. Theo anh Thanh, làm nghề này phải hết sức kiên nhẫn, cẩn thận và nhỏ nhẹ với những người xung quanh để nhận được sự thông cảm cũng như tránh va chạm.

Đắm mình trong môi trường ô nhiễm

“Những cống nước đen sì, thường xuyên chảy là còn sạch đó. Chứ những cống, mương mà nước đọng lâu ngày thì lượng ô nhiễm cao, độc tố mạnh lắm” - ông Bình (58 tuổi, công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP HCM) cho biết về nghề móc cống, mương của mình.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, hơn ai hết, ông hiểu rất rõ những vất vả, nguy hiểm của nó. Theo ông Bình, vào mùa mưa, các thành viên trong đội phải chạy ngược chạy xuôi khắp các con đường để khắc phục những đoạn cống bị tắc. “Làm nghề này cực lắm. Ngày nào cũng phải vật lộn với đống bùn cống đen ngòm, ô nhiễm kinh khủng, cơ thể luôn trong tình trạng bốc mùi” - anh Hoàng Trí (28 tuổi), có 7 năm làm nghề này, nói.

Người làm nghề móc cống không thể tránh khỏi những tai nạn, nhẹ bị xây xước, còn nặng thì tử vong. Trong lúc giải lao, anh Lê Minh Tâm (34 tuổi) xòe bàn tay cho chúng tôi xem vết thương vừa cắt chỉ mà anh gặp phải cách đây một tháng trong một lần vét mương.

“Nguy hiểm thường trực nhất đối với chúng tôi là việc giẫm phải kim tiêm và ngạt khí gas. Đã từng có nhiều công nhân tử vong khi làm nghề này” - anh tâm sự.

Ám ảnh lớn nhất với người thợ móc cống là phải làm việc ở khu vực dân cư ô nhiễm, nơi buôn bán hóa chất như chợ Kim Biên. “Không biết có theo nghề này lâu dài được không vì vất vả quá, nhiều khi bạn bè còn chọc này nọ cũng tủi thân” - anh Hồng (22 tuổi, quê Đồng Nai), vào nghề gần 1 năm, không giấu nỗi buồn.

Treo trên lưỡi hái tử thần

Lơ lửng giữa tầng cao trên chiếc ghế sắt được gắn vào 2 sợi dây thừng dài chạm đất là hình ảnh những “người nhện” làm nghề lau kính. Dù có thu nhập cao trong các nghề lao động phổ thông nhưng chỉ cần một chút sơ ý, không cẩn thận thì nguy cơ đối mặt với tử thần là rất gần.

Anh Trần Thanh Hải, có kinh nghiệm 5 năm làm nghề lau kính, kể: “Biết là nguy hiểm nhưng lương cao và thời gian cũng thoải mái nên tôi đành theo nghề này, chứ giờ kiếm việc làm đâu phải dễ”.

Trong bộ đồ bảo hộ, khuôn mặt rám nắng, vừa hoàn thành xong công việc, anh Trần Anh Tuấn (SN 1987) chia sẻ về những buồn vui trong hơn 6 năm đu dây lau kính của mình: “Cả công ty chỉ có 20 người lau kính nhưng mấy tháng mới gặp lại nhau vì công trình rải khắp thành phố, làm hết nơi này thì đến nơi khác. Đôi lúc trong khi làm việc, chỉ cần một ngọn gió lớn thổi qua là tính mạng như treo trên lưỡi hái tử thần”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo