Tình trạng ùn ứ trên Xa lộ Hà Nội đã bắt đầu từ sáng 1-5. Tuy nhiên, càng về chiều, lượng xe từ các tỉnh dồn dập đổ về khiến khu vực này bị ùn ứ kéo dài.
Kẹt xe kéo dài trên Xa lộ Hà Nội (hướng về trung tâm TPHCM)
Dù lực lượng CSGT, thanh tra giao thông đã tăng cường quân số túc trực điều tiết, phân luồng nhưng trước áp lực giao thông quá lớn, tình trạng kẹt xe vẫn diễn biến vô cùng phức tạp kéo dài từ khu vực cầu Đồng Nai đến trước Khu du lịch Suối Tiên.
Đặc biệt, tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, đông đảo người dân đi chơi lễ đã không bắt được xe buýt để về TP vì lượng người đi quá đông. Nhiều người phải chen lấn, vất vả nhưng cũng đành phải về bằng xe ôm với giá cao.
Trong khi đó, tại bến phà Cát Lái phía bờ huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), ban giám đốc bến phà đã tăng cường 11 chiếc phà và linh động cho phà quay đầu chạy không khách để giải tỏa lượng khách ùn ứ. Tuy nhiên, hàng ngàn người vẫn bị mắc kẹt trên đường, các phương tiện xếp hàng dài suốt 3 giờ.
Phà Cát Lái (phía bờ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) kẹt cứng xe
Chuyến phà nào từ hướng Đồng Nai cập vào bờ quận 2-TPHCM cũng ken chặt người.
Theo ông Trần Minh Thành, Giám đốc Xí nghiệp phà Cát Lái, ước tính trong ngày hôm nay, lượng khách qua phà từ bờ tỉnh Đồng Nai để về TPHCM ước khoảng hơn 40.000 lượt.
Dù bến phà tăng cường và liên tục chạy phà không tải quay đầu nhưng vẫn không thể giải tỏa lượng khách
Đến gần 18 giờ cùng ngày, tình trạng kẹt xe vẫn còn diễn biến vô cùng phức tạp.
Trong khi đó, những chuyến xe chật ních khách từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Bến Tre… ồ ạt đổ về Bến xe Miền Tây. Sau khi trả khách xong, các xe này vội vã xuất bến để nhường chỗ cho các xe vào bến tiếp theo.
Nhiều hành khách xuống bến trong tâm trạng mệt mỏi vì đã chấp nhận đứng cả đoạn đường dài, miễn sao lên được thành phố cho kịp ngày đi làm.
Hành khách mệt mỏi xếp hàng lên xe buýt tại Bến xe Miền Tây ngày 1-5
Anh Huỳnh Vũ Thuận, hành khách đi từ Cà Mau lên TPHCM, cho biết: “Do cùng đổ dồn lên TP nên các hành khách trên xe bị nhồi nhét. Tôi phải đứng cả một đoạn đường dài. Giá vé nhà xe cũng tăng lên. Nếu như ngày thường từ Cà Mau lên TPHCM là 185.000 đồng/người thì nay nhà xe đã tăng lên 230.000 - 250.000 đồng/người. Nếu không đi đành chấp nhận ngày mai mới lên TP”.
Trước các xe buýt 151 chạy tuyến Miền Tây – An Sương, 601 Miền Tây – Biên Hòa (Đồng Nai)..., hành khách xếp hàng chờ lên xe buýt. Mỗi khi xe buýt mở cửa, mọi người lại đổ dồn vào, chen lấn xô đẩy để lên được xe.
Trên các tuyến xe buýt này hành khách đều chật cứng, đứng chen chúc nhau.
Phía bên ngoài bến xe cũng rất đông người đứng chờ người thân chở về. Các lái xe ôm tại đây mời chào, níu kéo khách, thậm chí chở hai, chở ba mà không đội mũ bảo hiểm.
Ông Lê Công Tâm, Trưởng Phòng điều hành Bến xe Miền Tây, cho biết: “Nếu tính đến 24 giờ ngày 1-5, bến xe đã đón gần 1.500 xe khách với khoảng 40.000 lượt người từ các tỉnh miền Tây lên TP”.
Cùng với các phương tiện xe khách, không ít người dân ở miền Tây chạy xe gắn máy để trở lại TPHCM. Trên tuyến Quốc lộ 1A (quận Bình Tân), hàng chục chiến sĩ cảnh sát giao thông và lực lượng dân phòng địa phương luôn túc trực tại các ngã ba, ngã tư để điều tiết giao thông. Tuy nhiên tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra.
Tại Bến xe An Sương, số lượng hành khách đổ dồn về đây cũng tăng đột biến so với ngày thường, chủ yếu là các khách từ tỉnh Tây Ninh. Các tuyến xe buýt An Sương - Suối Tiên luôn đông nghẹt khách.
* Tiền Giang: Ùn tắc trên Quốc lộ 1A
Sau những ngày nghỉ lễ, chiều 1-5, số người và phương tiện từ các tỉnh ĐBSCL đổ về TPTPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ tăng đột biến đã gây ra ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực trên Quốc lộ 1A (địa phận tỉnh Tiền Giang).
Đến 18 giờ, hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau trên Quốc lộ 1A để chờ qua cầu Kinh Xáng, xã Long Định, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Do phương tiện tăng cao trong khi cây cầu này xuống cấp, các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và cảnh sát bảo vệ phải nỗ lực điều tiết giao thông cho các phương tiện lần lượt qua cầu.
Tại các “điểm nóng” như cầu An Hữu, cầu Trà Lọt, cầu Cồ Cò (huyện Cái Bè), tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ và va quệt giữa các phương tiện cũng xảy ra. Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an tỉnh Tiền Giang, dự kiến đến tối 1-5, tình hình giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang mới thông suốt.
Bình luận (0)