Hiện thành phố đang chọn ra hai phương án thay thế đường Nguyễn Huệ để tổ chức đường hoa Tết Ất Mùi 2015. Đó là trục đường Lê Lợi (từ Công viên 23-9 đến vòng xoay trước UBND TP) và trục Hàm Nghi (từ cột cờ Thủ Ngữ đến quảng trường Quách Thị Trang). Đồng thời sẽ không đặt tên đường hoa gắn liền với tên đường mà tên gọi sẽ là đường hoa TP HCM.
UBND TP sẽ tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan, người dân trước khi công bố phương án cuối cùng vào thời gian giữa năm 2014, để kịp công tác chuẩn bị đường hoa.
Nguyên nhân của việc thay đổi này là do vào thời điểm Tết Nguyên đán 2015, trục đường Nguyễn Huệ đang được rào chắn để thi công dự án phố đi bộ đường Nguyễn Huệ và là trục đường bố trí vườn tượng đài Bác Hồ, đúng theo tiến độ vào tháng 3-2015. Đây là những công trình chào mừng 40 năm giải phóng Sài Gòn và kết thúc nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ TP lần thứ 9, chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ 10 (2016-2020).
Sau 11 năm xuất hiện, đường Hoa Nguyễn Huệ đã trở thành nét văn hóa của Tết Sài Gòn và là hoạt động lễ hội không thể thiếu đối với người dân TP HCM, du khách mỗi dịp Tết đến xuân về. Mỗi năm, đường hoa Nguyễn Huệ phục vụ hơn 1 triệu lượt du khách tham quan. Đường hoa Nguyễn Huệ được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, xem đây là một mô hình cần được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước.
Năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ diễn ra trong 7 ngày, từ 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết (từ 28-1 đến ngày 3-2). Đường hoa được trang hoàng rực rỡ bằng 120.000 chậu hoa của 50 loại hoa khác nhau theo chủ đề “TP HCM – thành phố tôi yêu”, ca ngợi tính cách đặc trưng của thành phố là năng động, sáng tạo, hiện đại, nghĩa tình, có sức hút và lan tỏa cùng cả nước. Hình ảnh đờn ca tài tử - đặc sản của vùng đất Nam Bộ vừa được UNESCO vinh danh cũng được đưa vào cụm tiểu cảnh đặc sắc.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!