Ngày 27-3, tại tỉnh Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 và triển khai vụ hè thu 2015. Nội dung được đề cập nhiều nhất là các giải pháp chống hạn.
Ngày càng khốc liệt
Năm 2014 được cho là năm hạn lịch sử của nhiều tỉnh miền Trung. Thế nhưng, theo đánh giá của Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, năm nay, hạn hán ở khu vực này sẽ còn khốc liệt hơn. Nhận định này dựa trên tổng lượng mưa năm 2014 và từ đầu năm đến nay. Cụ thể, tổng lượng mưa trong khu vực của mùa mưa năm 2014 chỉ từ 130-1.828 mm, thiếu hụt từ 20%-60% so với trung bình nhiều năm. Từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trong khu vực tiếp tục thiếu hụt từ 20%-50%.
Nắng nóng, ít mưa sẽ kéo theo mực nước trên các dòng chảy sông suối ở miền Trung, Tây Nguyên giảm mạnh. Lượng nước tích trong các hồ thủy lợi năm 2015 rất thấp, nhất là ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận - chỉ đạt 13%-32% so với dung tích thiết kế.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thiếu nước tưới tiêu đã làm diện tích lúa đông xuân năm 2015 giảm gần 3.300 ha so với vụ đông xuân năm trước. Sản lượng lúa đông xuân khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên năm nay dự kiến chỉ đạt trên 1,6 triệu tấn, giảm trên 35.000 tấn.
Chống hạn không dễ
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), một trong những biện pháp phòng chống hạn hiện nay là phải tiết kiệm nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, một nông dân ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, một khi đã hạn hán thì chẳng còn nước đâu để tiết kiệm. “Chúng tôi đã vét đến thủng suối mà chẳng có nước thì làm sao tiết kiệm đây?” - ông Sơn nói.
Một giải pháp khác là chuyển đổi diện tích lúa không bảo đảm nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn như bắp, đỗ, khoai lang… Thế nhưng, theo bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa, việc chuyển đổi cây trồng trong điều kiện hạn hán là không dễ. “Khi hạn hán, phần lớn diện tích không sản xuất lúa được cũng không thể trồng các cây trồng khác do thiếu nước tưới. Phần lớn diện tích này đã bỏ hoang” - bà Linh nói.
Trồng lúa ngắn ngày là một giải pháp khác được Cục Trồng trọt đưa ra nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, khu vực này lại thiếu trầm trọng giống lúa ngắn ngày chất lượng tốt.
Trong tình hình hạn hán diễn ra gay gắt, ông Doanh đề nghị Tổng cục Thủy lợi làm việc kỹ hơn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bảo đảm kế hoạch chạy máy, cung cấp nguồn nước tưới cho các địa phương vùng hạ du.
Kiên Giang: Dân đảo khát nước
Từ cuối năm 2014 đến nay, hàng chục ngàn hộ dân trên 4 xã Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du của huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng bởi các nguồn nước dự trữ và nước giếng đã cạn khô. Người dân ở đây phải mua nước ngọt được chở từ nơi khác đến với giá 150.000-200.000 đồng/m3.
Được biết, trong 4 xã trên chỉ có An Sơn được đầu tư hồ chứa nước ngọt nhưng hồ này cũng đang trơ đáy do mùa khô năm nay đến sớm và hồ thường xuyên bị rò rỉ.
Ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, cho biết mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã đồng ý xây 1 hồ chứa nước tại xã Lại Sơn có dung tích 80.000 m3 với tổng vốn hơn 72 tỉ đồng. Công trình này dự kiến hoàn thành vào năm 2017. “Chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng chức năng khảo sát tình hình thực tế từng xã để đưa ra 2 phương án trình UBND tỉnh xem xét theo hướng vận chuyển nước từ nơi khác đến hoặc hỗ trợ 50% tiền mua nước cho người dân” - ông Trung nói.
T.Nốt
Bình luận (0)