Từ tháng 5-2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững có điều kiện ở một số vùng xã bãi ngang trên địa bàn tỉnh. Gọi là "sinh kế giảm nghèo bền vững" nhưng nhìn vào số vốn và cách tự xoay xở của người nghèo đã thấy ngay sự thất bại.
Cần tiền nên ký cam kết
Theo mô hình trên, huyện Phú Vang có 5 xã Phú Xuân, Vinh Phú, Vinh Thái, Vinh Hà và Vinh Xuân với 37 hộ nghèo (trung bình 7 hộ/xã) được lựa chọn. Theo quy định, mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng nên phải đối ứng thêm một khoản tiền, công sức hoặc cơ sở vật chất để chăn nuôi heo, gà. Khi tham gia, các hộ phải cam kết thoát nghèo vào cuối năm 2017.
Vinh Phú, xã nghèo nhất của huyện Phú Vang, có 7 hộ được lựa chọn tham gia mô hình. Ông Trương Hồng Tấn - cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội UBND xã Vinh Phú, người được phân công theo dõi chương trình này - cho biết cả 7 hộ đều lựa chọn mô hình chăn nuôi heo nhằm tận dụng thức ăn sẵn có, giảm chi phí, tăng năng suất. Thế nhưng, hơn một năm được cấp vốn, các hộ dân chỉ có phần lời lãi chút ít sau lứa heo xuất chuồng lần đầu. Còn về sau, họ gặp khó khăn do giá heo xuống thấp, 2 trong số 7 hộ đã "treo" chuồng.
Chuồng nuôi của hộ bà Lại Thị Lan chỉ còn sót lại một con heo nái ngoài vốn cấp
Bà Lại Thị Lan - ngụ thôn Trừng Hà, xã Vinh Phú - kể lúc được cấp vốn, bà rất vui vì chưa bao giờ cầm trên tay nhiều tiền như vậy. Ngoài một con heo nái của gia đình, từ số tiền được cấp, bà đầu tư mua 2 con heo và 150 con vịt, gà về thả, còn lại mua thức ăn chăn nuôi. Sau một thời gian thì gà, vịt bị bệnh chết sạch, còn 2 con heo bà Lan bán được 2,7 triệu đồng.
Cũng may, ngoài vốn cấp 5 triệu đồng, bà Lan có chút ít tiền diện hỗ trợ chính sách để mua thức ăn cho con heo nái của gia đình. "Số tiền hỗ trợ chẳng được bao nhiêu nhưng được đồng nào hay đồng đó. Tôi phải kiếm thêm khoai, sắn dư thừa chứ chẳng đủ tiền mua thức ăn để nuôi heo, lời lãi chẳng tới đâu nên nghèo vẫn cứ thế" - bà Lan bộc bạch.
Gia đình bà Lan có 3 người con nhưng con gái đầu lòng 23 tuổi bị tâm thần thường trở bệnh, sau khi lấy chồng được một năm đành phải quay về nhà mẹ. Con trai thứ hai đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, còn con út học lớp 10. Là trụ cột gia đình nhưng ông Nguyễn Chuẩn, chồng bà Lan, mấy năm trở lại đây thường xuyên nhập viện điều trị vì bệnh lao phổi nên chẳng làm được việc gì.
"Khi tôi tham gia mô hình, nhiều người nói dại vì được 5 triệu đồng mà phải cam kết thoát nghèo. Cuối năm, họ đưa ra khỏi diện nghèo, gia đình tôi mất quyền lợi thì sao? Tôi cũng suy nghĩ nhưng lúc đó chồng lại đau ốm, mình chăn nuôi mà không có vốn mua thức ăn, giống nên đăng ký tham gia. Đối với họ, 5 triệu đồng quá ít nhưng với người nghèo lại là số tiền lớn rồi" - bà Lan tâm sự.
"Treo" chuồng vì rớt giá
Chị Lê Thị Thẻo - thôn Tân Phú, xã Vinh Phú - cũng là hộ được lựa chọn thực hiện mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững. Sau khi nhận 5 triệu đồng, chị dành ra 3 triệu đồng để làm chuồng nuôi, số còn lại đầu tư một cặp heo giống. Sau vài tháng nuôi, chị bán được 3,3 triệu đồng. Không may là sau đó, heo rớt giá thảm hại nên chị không dám nuôi tiếp, chuồng bỏ trống.
"Phải xem tình hình giá heo thế nào mới quyết định nuôi lại hay không. Kinh tế của gia đình tôi đỡ phần nào là do chồng qua Lào làm thuê" - chị Thẻo chia sẻ.
Với 5 triệu đồng "giảm nghèo bền vững", bà Nguyễn Thị Gái - thôn Mộc Trụ, xã Vinh Phú - thả nuôi 2 con heo thịt trị giá 2,6 triệu đồng, số tiền còn lại mua thức ăn dự trữ. Vất vả nuôi hàng tháng trời nhưng khi bán, 2 con heo chỉ được 3,2 triệu đồng, lời 600.000 đồng. Bà Gái than thở: "Tôi mua 7 bao bột, thêm gạo để nuôi nhưng lúc bán thì mất giá. Số vốn coi như lỗ, đến giờ tôi hết tiền nên chưa thả nuôi lại, cứ để chuồng vậy".
Tại xã Phú Xuân, trong 7 hộ nghèo được hỗ trợ tham gia mô hình giảm nghèo thì 6 hộ nuôi heo, hộ còn lại nuôi gà. Bà Phan Thị Kim Lành - thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân - chua xót nhớ lại số tiền 5 triệu đồng tiêu tán theo những tháng ngày vất vả. Trong 3 con heo bà bỏ tiền mua về nuôi, 1 con bị bệnh chết, còn 2 con bán thịt chưa bằng một nửa tiền vốn...
Hộ bà Phan Thị Kim Lành chỉ dám nuôi heo cầm chừng do giá rớt
Theo báo cáo của các xã ở huyện Phú Vang, việc chăn nuôi của những hộ tham gia mô hình gặp khó khăn bởi thời tiết thất thường, dẫn đến có nơi xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, giá heo xuống thấp nên người chăn nuôi chẳng lời lãi bao nhiêu.
Ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Vang, cho rằng hỗ trợ với mức 5 triệu đồng để người dân thoát nghèo là quá thấp, hiệu quả không cao. Với số tiền này, trong quá trình thực hiện mô hình, nếu không may gặp dịch bệnh thì người nuôi trắng tay. "Mức hỗ trợ là do ở trên quy định, chúng tôi chỉ thực hiện thôi. Số tiền nhỏ nhưng để đến được tay người dân cũng qua không biết bao quy trình" - ông Mâng băn khoăn.
Gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới
Tại cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 25-5, ông Đinh Khắc Đính, chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định công tác giảm nghèo trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2016 giảm còn 7,19%...
Để công tác giảm nghèo đạt được kết quả tốt, người dân thật sự thoát nghèo một cách bền vững, ông Đính yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát, đánh giá toàn diện các mô hình giảm nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới…
Kỳ tới: Luẩn quẩn khuyến nông, khuyến ngư
Bình luận (0)