Giảm phá rừng 5 km
* Phóng viên: Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, giới chuyên môn, nhà khoa học phản đối quyết liệt việc xây dựng đường Tây Bắc Côn Đảo vì cho rằng sẽ phá vỡ hệ sinh thái của rừng nguyên sinh. Ý kiến của ông như thế nào?
- Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Dự án đường Tây Bắc Côn Đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khởi công từ năm 2014. Tuy nhiên, sau khi khởi công, do có nhiều ý kiến nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định dừng dự án, mở hội thảo khoa học để lắng nghe phản biện. Qua hội thảo, tiếp nhận ý kiến từ nhiều phía, chúng tôi quyết định không dừng dự án, tiếp tục làm đường nhưng điều chỉnh sao cho phù hợp. Phương án thống nhất là giảm bớt cấp bộ đường và điều chỉnh lại quy mô đường nhằm giảm bớt phá rừng nguyên sinh.
Các nhà môi trường học phản đối đến cùng, còn các nhà đô thị học thì khuyến khích làm. Chúng tôi đứng giữa và chọn phương án sao cho hài hòa, có lợi cho địa phương.
* Phương án điều chỉnh mà tỉnh đưa ra cụ thể thế nào?
- Theo dự án ban đầu, toàn tuyến đường Tây Bắc dài 14 km, thiết kế theo đường loại 4, chạy từ cảng Bến Đầm đến sân bay Cỏ Ống. Phương án điều chỉnh là không làm đường loại 4 trong phạm vi 5 km, thay vào đó chỉ làm đường đi bộ rải đá len lỏi trong rừng và không phá rừng. Số km còn lại vẫn làm theo cấp đường này nhưng phải có giải pháp thi công hạn chế thấp nhất việc phá rừng và bảo vệ cây lớn. Có thể nắn tuyến đường làm sao để bảo vệ được tối đa hệ sinh thái của rừng.
* Theo ông, mục đích chính khi mở đường Tây Bắc là gì?
- Mục đích chính khi mở con đường này là vì quốc phòng an ninh, bảo đảm cho sự phát triển bền vững lâu dài của Côn Đảo. Bên cạnh đó là phát triển du lịch, phục vụ khai thác các điểm nhấn du lịch như bãi Ông Đụng, vịnh Đầm Tre và một số điểm quan trọng khác mà tuyến đường đi qua. Việc mở đường cũng nhằm giúp giao thông Côn Đảo thuận lợi.
Việc điều chỉnh là một bước tiến về nhìn nhận, tư duy, thay đổi của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với con đường Tây Bắc. Giảm được 5 km là một thành công trong quyết định xây dựng con đường trên.
Làm theo tư duy mới?
* Nhiều ý kiến cho rằng việc mở đường Tây Bắc và cho phép triển khai các dự án resort, khách sạn… dọc tuyến đường sẽ gây ra tác hại lớn, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái của rừng nguyên sinh?
- Chỉ có một nhà máy rác nằm trên tuyến đường đó và các resort dưới tán rừng chứ không phải phá rừng, chặt bạt hết rừng để làm bê-tông. Chúng tôi sẽ hạn chế tối đa việc xâm phạm vào rừng.
* Côn Đảo hiện đã có một con đường ven biển, việc xây dựng đường mới có thực sự cần thiết?
- Huyện Côn Đảo bao gồm nhiều hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Côn Lôn lớn nhất thì 2/3 đảo đã có đường đi; 1/3 còn lại chính là dự án xây dựng 14 km đường để nối vòng quanh đảo, nối với tuyến đường cũ. Đây là tuyến đường nối vòng quanh đảo, ven biển, ven rừng nối tiếp con đường cũ chứ không phải xuyên rừng.
Tư duy cũ chính là việc núi phải phủ đường, như Núi Lớn, Núi Nhỏ ở Vũng Tàu cũng làm con đường vòng men theo sườn núi để người dân, du khách ngắm biển. Tư duy mới là không nhất thiết phải xây dựng con đường vòng nối liền như vậy nên chúng tôi quyết định giữ lại 5 km để nối giữa rừng với biển, 5 km đó không có sự can thiệp của máy móc mà chỉ lót đá để du khách đi bộ thưởng lãm.
Nghiên cứu xây dựng đường hầm
Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về dự án đầu tư tuyến đường Tây Bắc Côn Đảo nói rõ việc triển khai đầu tư tuyến đường theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: triển khai từ Km 0 đến Km 7 theo phương án thiết kế đã phê duyệt. Giai đoạn 2: Từ Km 7 đến Km 14, UBND tỉnh nghiên cứu phương án đầu tư đoạn đường này theo hướng tận dụng các đường kiểm lâm hiện có, quy mô đường phù hợp, chỉ sử dụng cho đi bộ, đi xe đạp với mặt cắt ngang từ 1,5-2,5 m. Trong đó, nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm qua dốc Ma Thiên Lãnh, báo cáo Thường vụ Tỉnh úy trước khi thực hiện.
Bình luận (0)