Sau khi Nghị định 67 có hiệu lực (ngày 25-8), khoảng 10 quyết định và 8 thông tư hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã được ban hành nhằm đưa chính sách này đi vào đời sống.
Không biết chọn ai, bỏ ai
Chiều 13-11, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Bộ NN-PTNT, cho biết đến nay, chưa có ngư dân nào tiếp cận được nguồn vốn vay vì UBND tỉnh, thành phố chưa phê duyệt danh sách. Duy nhất, mới có tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt danh sách 40 ngư dân được vay vốn đợt 1/2014 để đóng 40 tàu cá nhưng bà con chưa nhận được tiền.
Nguyên nhân, theo ông Tuấn, là do ngư dân đăng ký số lượng nhiều, ở một số địa phương vì tình làng nghĩa xóm nên không biết giữ ai, bỏ ai. “Địa phương còn túng túng, chưa mạnh dạn xét duyệt, sàng lọc đối tượng theo quy định nên hồ sơ bị tắc ở cơ sở” - ông Tuấn giải thích.
Thực tế cho thấy tại các địa phương, số tàu mà ngư dân đăng ký vay tiền đóng mới, cải hoán đã vượt quá chỉ tiêu. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho biết đã có 158 tổ chức, cá nhân ở Đà Nẵng đăng ký đóng 180 tàu nhưng chỉ tiêu phân bổ của Bộ NN-PTNT về TP chỉ 47 chiếc. Chưa kể, nội dung của Nghị định 67 còn chung chung, không có tiêu chí nào cụ thể để xét duyệt đối tượng được cho vay. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đang phải xem xét, chọn lọc rất khó khăn.
Tại tỉnh Quảng Nam, chỉ tiêu chỉ được phân bổ 92 tàu nhưng đến nay, lượng đăng ký đã lên tới 150 chiếc. Trong khi đó, ở Khánh Hòa, ngoài 58 tàu đăng ký đóng mới, tỉnh có thêm 180 tàu cá đăng ký cải hoán. Số tàu cải hoán chưa biết lúc nào triển khai, còn tàu đóng mới cũng “giậm chân tại chỗ”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho rằng việc chậm công bố các mẫu tàu để ngư dân lựa chọn cũng khiến việc triển khai đăng ký đóng tàu cá bị chậm.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, trong quy hoạch phát triển thủy sản, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ đến năm 2020, cả nước sẽ có 30.000 tàu. Hiện đã có gần 28.000 tàu, do vậy chỉ tiêu chỉ còn 2.079 chiếc để phân bổ cho 29 tỉnh, thành vay vốn.
Thủ tục nhiêu khê, rườm rà
Ông Trần Văn Lĩnh cho hay hầu hết ngư dân đã không còn mặn mà với việc vay vốn đóng tàu nữa vì Nghị định 67 còn có quá nhiều quy định nhiêu khê, rườm rà.
Nguyện vọng của ngư dân là được vay vốn để đóng tàu mới theo mẫu họ muốn. Ngư dân Trương Văn Hay ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho rằng chi phí bỏ ra đóng tàu rất lớn. Con tàu là sản nghiệp nên chủ tàu luôn muốn quyết định kiểu dáng, kỹ thuật. “Tiền vay ngân hàng rồi cũng phải trả, chúng tôi muốn được đóng theo kiểu của mình, làm được nhiều loại nghề khai thác thủy sản để có thể nhanh thu hồi vốn” - ngư dân Hay bày tỏ.
Theo ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, danh sách ngư dân đăng ký đóng tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh là 65 chiếc, vừa rồi có 7 chủ tàu bất ngờ xin rút.
Ông Én cho rằng việc ngư dân rút khỏi danh sách đăng ký cho thấy họ đã nhận thức đúng hướng. Bởi lẽ, theo tiêu chí của Bộ NN-PTNT, ngư dân nào muốn tham gia đóng tàu đánh bắt xa bờ phải bảo đảm năng lực tài chính và có phương án, kế hoạch sản xuất hiệu quả. Theo đó, ngư dân muốn đóng tàu sắt cần một nguồn vốn vay hơn 10 tỉ đồng/chiếc, trong vòng 11 năm phải hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Như vậy, mỗi năm, ngư dân ít nhất phải lãi trên 1 tỉ đồng mới có thể trả nợ. Ngay cả đối với tàu composite, đó cũng là một gánh nặng.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, ngư dân muốn Bộ NN-PTNT và các ngân hàng công khai tiêu chí rõ ràng hơn nhưng điều này rất khó. “Mỗi địa phương có tiêu chí khác nhau nên nếu áp chỉ tiêu duy nhất cho các địa phương thì không phù hợp. Do đó, dựa trên quy định của Nghị định 67, mỗi tỉnh nên đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn để xét duyệt đối tượng vay”- ông Tuấn nói.
Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, TP Nha Trang:
Chưa chắc trả nợ nổi
Tôi đã đăng ký đóng tàu cá composite trị giá khoảng 6-7 tỉ đồng. Tính ra, tôi phải trả 600-700 triệu đồng/năm trong khi mỗi năm, tàu chỉ đi được 8-10 chuyến biển. Như vậy, mỗi chuyến biển phải trích lãi cả trăm triệu để trả nợ. Chưa tính chi phí bảo trì, vận hành thì với tình hình tổn phí đi biển ngày càng cao, giá cá lại không ổn định như hiện nay, ngư dân thường xuyên huề vốn, thậm chí lỗ. Ngay cả gia đình có 2 chiếc tàu vẫn chưa chắc đủ khả năng trả nợ.
Nhà nước nên tính thêm phương án cho ngư dân vay nguồn vốn trung hạn với lãi suất ưu đãi. Ngư dân lên phương án sản xuất cụ thể, sau khi được phê duyệt có toàn quyền sử dụng nguồn vốn đó để đóng mới, nâng cấp, cải hoán theo ý mình. Các công ty đóng tàu chào hàng cạnh tranh, tránh tình trạng ép giá, nâng giá đóng tàu...
Kỳ Nam ghi
Bình luận (0)