Những ngày ở Thạch Sơn, chúng tôi không khỏi lo ngại trước những ca ung thư mới, những ca ung thư ở độ tuổi rất trẻ. Đó cũng là những lo lắng về thế hệ mai sau ở Thạch Sơn.
Đứng trước cổng trường nô đùa nói chuyện nhưng khi được hỏi về chuyện ung thư của địa phương, những cô bé, cậu bé chưa được 10 tuổi của Trường Tiểu học Thạch Sơn cũng chỉ nói nhát gừng: “Chúng cháu ngửi thấy mùi sợ lắm”, “sau giờ học đi chăn trâu cũng ngửi thấy mùi”…
Hiểm họa những mầm xanh
Cháu Đỗ Văn Thành, học sinh lớp 4, cho biết: “Cứ đến gần trưa là cháu thấy mùi khét và mùi của khói lò gạch chú ạ. Bọn cháu đóng cửa hết rồi mà mùi vẫn lọt vào, không thể thở được”.
Cháu Nguyễn Thị Trang, học sinh lớp 5, nói: “Cứ hôm nào mùi khói bốc ra nhiều quá, khó thở thì chúng cháu được tan học sớm”.
Chị Lê T., một người dân sống cạnh Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, nói: “Khổ nhất là mấy người vừa sinh con nhỏ như chúng tôi. Ở cạnh nhà máy nên hôm nào có gió thổi mạnh, mùi hôi xộc thẳng vào nhà. Mình ngửi quen rồi nhưng đứa con nhỏ thì thật tội nghiệp. Dân kêu nhiều thì nhà máy tăng ca sản xuất vào ban đêm”.
Học sinh Trường Tiểu học Thạch Sơn phải sống trong vùng bị ô nhiễm
trầm trọng. Ảnh : XUÂN TRUNG
Theo số liệu thống kê mà Trạm Y tế xã Thạch Sơn đang lưu giữ, số người mắc bệnh ung thư ở Thạch Sơn đang có xu hướng “trẻ hóa”.
Trong số các bệnh nhân mới mắc bệnh ung thư trong năm 2011, đáng chú ý có em Hoàng V.N (10 tuổi) đang học lớp 5, trú tại khu 7, xã Thạch Sơn. Em N. bị ung thư tinh hoàn từ năm lên 7 tuổi. Đặc biệt là bố mẹ N. đều không bị ung thư.
Theo ông Đặng Xuân Hải, Trưởng Trạm Y tế xã Thạch Sơn, em N. có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng cằn, cả năm không đủ ăn. Đã eo lại gặp khó, riêng chi phí khám chữa bệnh đã tiêu tốn của gia đình vài triệu đồng mỗi lần. Một đợt điều trị hóa chất tại bệnh viện kéo dài hàng tuần.
“Tình trạng bệnh của em N. có dấu hiệu tiến triển ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên về sau thì không ai dám chắc như thế nào vì bệnh ung thư diễn biến rất phức tạp” - ông Hải cho biết.
Chậm báo cáo Thủ tướng
Lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) tỉnh Phú Thọ cho biết đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ để gửi Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chiều 4-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm có báo cáo chính thức.
Mương thoát nước từ Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao luôn bị tắc
Tuy nhiên, do vấn đề ô nhiễm môi trường và tình hình ung thư ở Thạch Sơn là một “đề tài” lớn nên cần phải tiến hành kỹ lưỡng, khoa học.
“Thủ tướng chỉ đạo đến ngày 20-3 phải có báo cáo nhưng chúng tôi đã xin dãn thời hạn bởi không thể kịp được. Khó khăn bởi trước đây Bộ Y tế đã được giao kinh phí để tiến hành khắc phục ô nhiễm và chẩn đoán, khám chữa bệnh cho người dân nơi đây nên phải chờ báo cáo của họ” - ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cho rằng Bộ Y tế sẽ làm rõ số người chết vì ung thư ở Thạch Sơn có phải do sống trong khu vực ô nhiễm không khí, nguồn nước… hay không. Ngành môi trường cũng sẽ làm rõ việc ảnh hưởng của cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp quanh khu vực tới sức khỏe của người ở vùng này như thế nào.
“Mục đích cuối cùng là đi tới kết luận những hiện tượng bấy lâu nay ở đây là bình thường hay khác biệt. Từ đó, chúng tôi sẽ xem xét tiêu chuẩn xả thải, sản xuất của nhà máy supe có đúng tiêu chuẩn hay không để có báo cáo chi tiết, cụ thể” - ông Tuyến nói.
Trong khi đó, PGS - TS Trần Văn Dần, Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng (ĐH Y Hà Nội), cho biết những hiểm họa tại Thạch Sơn đã được ông và cộng sự cảnh báo từ năm 1984 và rất cần sự can thiệp mạnh mẽ của các cấp chính quyền.
Y tế cơ sở thiếu thốn, lạc hậu
Theo ông Đặng Xuân Hải, Trưởng Trạm Y tế xã Thạch Sơn, việc khám chữa bệnh cho người dân nơi đây được thực hiện đơn giản, tự phát. Người dân đi làm về thấy trong người đau và khó chịu thì mới lên trạm xá khám bệnh. Tuy nhiên, các trang thiết bị ở đây rất thiếu thốn và đơn sơ, thuốc men cũng không sẵn. Các bệnh nhân bị ung thư sau khi có kết luận của Bệnh viện K Trung ương sẽ phải điều trị định kỳ bằng hóa chất tại bệnh viện theo phác đồ của bác sĩ. Ông Hải cho biết việc đề nghị xin bổ sung các loại thuốc bổ, thuốc kháng sinh cho người dân sử dụng cũng rất hạn chế. |
Bình luận (0)