Khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn là nơi tiếp nhận điều trị cho 27/29 nạn nhân của vụ hỏa hoạn này. May mắn thoát thân khỏi đám cháy kinh hoàng nhưng vẻ hãi hùng vẫn hiện rõ trên những gương mặt còn lem luốc khói đen của vụ cháy.
"Lúc phát hiện ra có cháy là khoảng 4 giờ 30 phút, khi đó tôi đang ở tầng 30 và thấy khói bốc lên. Tòa nhà mất điện tối om, khói đen kịt bủa vây khắp căn phòng đến nỗi không nhìn thấy mặt nhau. Mọi người hô chạy xuống dưới" - anh Tiếp nhớ lại.
Lần theo tay vịn cầu thang, anh Tiếp cùng nhiều người khác chỉ chạy xuống được mấy tầng rồi lại phải chạy lên tầng áp mái vì thấy khói nhiều quá, không thở được.
Theo anh Tiếp, có khoảng 18 người cùng chạy lên ai cũng sợ đến nỗi mặt cắt không còn giọt máu, tất cả đều đổ dồn lên tầng áp mái là tầng 33 với hy vọng có không khí để thở nhưng càng lên cao khói càng dày đặc, bủa vây mọi người.
"Trong cơn hoảng loạn, có đã người khóc, có người gọi điện người thân, bạn bè, có người đòi nhảy xuống tự tử để không bị chết cháy, cũng có người hy vọng sẽ có trực thăng đến cứu… Nhưng mọi người đều động viên nhau thôi thì tất cả sống cùng sống, chết cùng chết" - anh Tiếp bàng hoàng kể lại.
Sau 3 giờ trong nỗi tuyệt vọng, anh Tiếp được đội cứu hộ tìm thấy và đưa xuống đất lúc 19 giờ 30 phút trong tình trạng hoảng loạn, ho, khó thở. Anh Tiếp là một trong những người đầu tiên được đưa ra khỏi tòa nhà 33 tầng.
Bà Trương Thị Xây (53 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những nạn nhân nữ trong vụ cháy đang được giữ lại điều trị vì nghi bỏng đường hô hấp. Khuôn mắt hốc hác, ánh mắt thất thần của bà như không tin nổi rằng mình đã thoát chết trong tầng hầm mù mịt khói đen.
"Tôi hoảng quá, sợ lắm, không nghĩ được cái gì, tay cầm điệm thoại nhưng không biết gọi ai, chỉ nghĩ là phải chạy nhanh nhất có thể. Nhưng sức yếu lại ngạt khói chạy tới tầng 7 thì gục xuống. May mà có mấy anh em chạy ra đỡ, không thì..." - bà Xây kể.
Ông Nguyễn Văn Lung (49 tuổi quê Nông Cống - Thanh Hóa cùng với cậu con trai 17 tuổi Nguyễn Văn Thịnh đang là thợ sơn của công trình xây dựng toà tháp đôi) đã may mắn chạy thoát khỏi tầng hầm của tòa tháp.
"Lúc đó đèn điện phụt tắt, lối lên dành cho xe hơi bị khói đen bao trùm. Hoảng quá, tôi chỉ biết mò mẫm men theo cầu thang bộ để thoát thân nhưng khói đen kịt bủa vây không nhìn thấy đường đâm ra hoảng loạn, chạy ngược chạy xuôi, mãi sau mới tìm thấy lối ra".
Theo phản xạ anh Thế chạy lên các tầng cao hơn. Không nhìn thấy gì, anh Thế chỉ biết lần theo tay vịn cầu thang tôi lết lên tầng cao nhất và thấy nhiều người đã tập trung ở đó, ai cũng hoảng sợ.
"Vì trên các tầng cao không có nước nên đã có người phải tiểu ra khẩu trang để thở, nhưng có người vì sợ quá, mệt do phải leo lên, leo xuống quá nhiều đến mức... tiểu mãi không ra" - anh Đặng Hồng Khanh (30 tuổi, quê Thái Bình) kể lại trong cảm giác hoảng sợ còn đeo bám.
Theo anh Khanh, trong lúc tìm cách thoát thân, có người phải bò mới lên được đến tầng áp mái vì hoảng loạn chạy thục mạng suốt hơn 20 tầng nên không còn hơi sức.
"Có những công nhân trẻ mới lập gia đình hoặc đang có người yêu đã gọi điện điện về "trăng trối" vì nghĩ rằng họ sẽ không thoát khỏi biển khói ngùn ngụt bao trùm. Cho đến khi cứu hộ tiếp cận được, chuyển nước, khăn ướt lên cho anh em. Lúc ấy mọi người mới tin rằng họ sống sót" - anh Khanh cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết trong tổng số 27 nạn nhân điều trị tại Khoa Bỏng cuối giờ sáng 16-12 đã có 18 trường hợp xuất viện.
Bệnh tình các nạn nhân hiện đã ổn định, tinh thần cũng khá hơn nhiều. Tuy nhiên có 11 nạn nhân trong vụ cháy nghi bị bỏng hô hấp đang được các bác sĩ tích cực theo dõi.
Bình luận (0)