Đáng lưu ý là mức chênh lệch giữa giá bán FOB trong nước và tại thị trường London (Anh) đã rút xuống dưới 100 USD/tấn, giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm trước đây là 300 USD/tấn. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức tăng ổn định vì thị trường cà phê thế giới vẫn đang ở thế mất cân bằng, giá cả giảm sút do cung vượt cầu. Năm 2002, do giá cà phê xuất khẩu giảm đáng kể, Việt Nam đã giảm diện tích trồng và quy mô sản xuất cà phê. Theo kế hoạch, sẽ chuyển hơn 100.000 ha diện tích trồng cà phê vối tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai -Kon Tum, Đồng Nai... sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng do nông dân thiếu vốn nên đến nay cả nước mới chuyển đổi được khoảng 10.000 ha.
Tổng diện tích trồng cà phê của nước ta hiện nay đạt hơn 500.000 ha, cho tổng sản lượng khoảng 890.000 tấn. Để phát triển bền vững, ngành cà phê Việt Nam đã xác định hướng đi cho mình trong thời gian tới là tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hạ thấp giá thành sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm ở các vùng chuyên canh cà phê, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới. Theo đó, Việt Nam phải cố gắng đạt được tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu mà Ủy ban Chất lượng cà phê thế giới đã đề ra (Nghị quyết 407). Các tiêu chuẩn đó là: độ ẩm của cà phê không quá 12,5%; tổng số lỗi trong một mẫu (300 g cà phê vối) không quá 150 lỗi.
Bình luận (0)