Sức nóng của dư luận tăng dần trong vài ngày qua khi người dân và cộng đồng mạng phản ứng dữ dội việc chặt hạ 6.700 cây xanh trên gần 190 tuyến phố nội thành Hà Nội, trong đó có những cây cả trăm năm tuổi, gắn bó như máu thịt với họ.
Những cây “biết nói”
Tại đường Giảng Võ (quận Đống Đa, Hà Nội) xuất hiện những tờ giấy dán dọc các thân cây với dòng chữ “Tôi đang khỏe mạnh, xin đừng giết tôi!”. Những dòng chữ này lập tức gây xôn xao cộng đồng mạng. Một số bình luận trên mạng xã hội Facebook bày tỏ: “Đó là những cây biết nói!”. Song, cũng trên con đường này, hai vỉa hè cạnh trụ sở Bộ Y tế có hơn 10 cây mới bị đốn hạ, thay vào đó là các cây mới toanh, nhỏ bé, khẳng khiu cao 5-7 m.
Hàng cây xà cừ tỏa bóng mát cho Công viên Thống Nhất ở mặt đường Lê Duẩn cũng bị triệt hạ không thương tiếc. Gần 10 cây bị đào tung gốc rồi để nguyên chắn ngang trên miệng hố. Có cây sâu mục song cũng có nhiều thân cây còn tươi, ứa nhựa.
Gốc cây xà cừ to được trồng lâu năm đang bị chặt hạ
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình), từng được mệnh danh là “Con đường đẹp nhất Việt Nam”, đã biến thành một công trường ngổn ngang. Công nhân gấp rút thực hiện nhiệm vụ cưa cây, đào vỉa hè. Từng viên gạch mới được lát lại cách đây không lâu bị lật tung lên, nhiều viên vỡ nát dưới các công cụ đào bới chuyên nghiệp. Đất vương vãi khắp nơi vì bị bung lên theo rễ cây được hàng chục người hò nhau kéo đổ.
Cây bị cưa, kéo, bị cắt cụt như những vết thương nham nhở. Những khúc cây được cưa xong nằm la liệt, ngổn ngang trên tuyến phố, để lại các hố đất sâu ngay bên cạnh. Nhiều hố rất to vì các gốc cây hàng chục năm đã bén sâu vào đất.
Những người dân sống và làm việc trên đường Nguyễn Chí Thanh không khỏi xót xa, ngậm ngùi cho hàng cây nhiều năm tuổi bị chặt hạ. Nhiều người đi đường dừng lại quan sát, tỏ vẻ tiếc nuối cho hàng cây hoa sữa, xà cừ đã gắn bó với họ từ tuổi thơ tới lúc hoa râm, đầu bạc.
Cho đến cuối chiều 19-3, bất chấp những lời kêu gọi mạnh mẽ của cộng đồng mạng, việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội vẫn diễn ra như kế hoạch.
Ngậm ngùi, xót xa
Ông Nguyễn Văn Dũng (48 tuổi), người dân sống trên đường Nguyễn Chí Thanh, ngỡ ngàng : “Hàng cây này đã trở nên thân quen, như máu thịt của người dân ở đây. Tôi rất ủng hộ việc chặt hạ cây mục ruỗng, sâu bệnh không phù hợp với đô thị nhưng những cây xà cừ có hàng chục, hàng trăm năm tuổi, tán lá sum sê tỏa bóng mát thế, tươi tốt thế, chặt đi thì thật sự quá lãng phí”.
Những người sống và làm việc trên con đường này không khỏi xót xa, ngậm ngùi cho hàng cây nhiều năm tuổi bị chặt hạ. Nhiều người đi đường dừng lại quan sát, tiếc nuối cho hàng cây hoa sữa, xà cừ “mang án tử”. Nhiều ý kiến người dân tại đây cho rằng chính quyền nên dừng việc chặt hạ cây xanh hàng loạt, thay vào đó là đốṇ xen kẽ từng đợt. Cây mới trồng lớn lên có tán tạo bóng mát rồi sau đó hạ những cây còn lại thì sẽ phù hợp hơn.
“Đại công trường” đốn hạ cây xanh còn diễn ra trên nhiều tuyến phố khác của Hà Nội như Lê Duẩn, Phan Bội Châu... khiến rất nhiều người dân thủ đô đều cảm thấy ngậm ngùi.
“6.700 người vì 6.700 cây xanh”
Đó là cuộc vận động tại địa chỉ: Facebook.com/manfortree, diễn ra từ ngày 17-3, với mục tiêu thu thập 6.700 chữ ký vào bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch HĐND TP và Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội. Thư ngỏ đưa ra 3 yêu cầu cụ thể, trong đó có việc dừng ngay việc chặt hạ cây để hỏi ý kiến người dân và các chuyên gia, đồng thời công khai lộ trình và lý do chặt cây.
Đến ngày 19-3, đã có trên 1.000 người ký vào thư ngỏ này.
“6.700 người vì 6.700 cây xanh”
Đó là cuộc vận động tại địa chỉ: Facebook.com/manfortree, diễn ra từ ngày 17-3, với mục tiêu thu thập 6.700 chữ ký vào bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch HĐND TP và Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội. Thư ngỏ đưa ra 3 yêu cầu cụ thể, trong đó có việc dừng ngay việc chặt hạ cây để hỏi ý kiến người dân và các chuyên gia, đồng thời công khai lộ trình và lý do chặt cây.
Đến hết ngày 19-3, đã có trên 14.000 người ký vào thư ngỏ này.
Bình luận (0)