Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), cả nước có gần 220.000 phương tiện kinh doanh vận tải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và trung bình trên 70% phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống; còn lại có nhiều lý do để không truyền về, như: xe không hoạt động, xe đi bảo dưỡng...
Tăng số phương tiện bị xử lý
Qua 3 năm triển khai hệ thống thiết bị GSHT, đến nay, số lượng các phương tiện bị xử lý qua hệ thống dữ liệu này tăng nhanh. Nếu năm 2014 (năm đầu tiên sử dụng dữ liệu thiết bị GSHT để xử phạt) chỉ xử lý khoảng 4.500 phương tiện thì năm 2015 có hơn 5.500 phương tiện bị thu phù hiệu, từ chối cấp phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến; 2 tháng đầu năm 2016, gần 600 phương tiện bị xử lý qua hệ thống dữ liệu thiết bị GSHT...
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết nếu trong 1 tháng, các phương tiện vi phạm tốc độ 5 lần/1.000 km xe chạy hoặc xe khách tuyến cố định chạy sai hành trình, vi phạm thời gian lái xe liên tục sẽ bị thu hồi phù hiệu trong 1 tháng. Kể từ khi đẩy mạnh việc xử lý vi phạm qua thiết bị GSHT, số lượng các vi phạm nêu trên giảm hẳn. Đây là kết quả rõ nhất của việc sử dụng dữ liệu thiết bị GSHT để xử lý vi phạm. Theo lộ trình tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đến năm 2017, cả nước có khoảng 1 triệu xe lắp thiết bị GSHT.
Độ tin cậy chưa cao
Nhiều ý kiến cho rằng qua thời gian lắp đặt thiết bị GSHT đã bộc lộ rất nhiều bất cập, thông tin thiếu chính xác, thiết bị trục trặc, độ tin cậy chưa cao... Nhiều lái xe cố tình ngắt thiết bị GSHT khi đang lưu thông nên chưa phát huy hiệu quả.
Thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách, khi điều tra mới phát hiện xe chạy sai luồng, tuyến nhưng cơ quan chức năng không biết. Cụ thể như vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở Lào Cai đầu tháng 9-2014 làm 14 người chết, 35 người bị thương, phương tiện chỉ được cấp phép chạy Mỹ Đình - TP Lào Cai nhưng đã chở khách lên thẳng Sa Pa. Chiếc xe này có lắp thiết bị GSHT nhưng chỉ đến khi xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng mới biết chạy sai lộ trình. Hay như vụ tai nạn giữa xe khách và xe container trên Quốc lộ 18 (đoạn qua tỉnh Quảng Ninh) làm 6 người chết và 12 người bị thương vào ngày 16-12-2014. Dữ liệu kiểm định cho thấy cả 2 xe đều tắt thiết bị GSHT trước khi xảy ra tai nạn.
Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng), việc lắp thiết bị GSHT là hiệu quả và rất cần thiết cho quản lý, điều hành của doanh nghiệp nên công ty này lắp thiết bị GSHT từ khi chưa có quy định bắt buộc.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cũng khẳng định việc lắp thiết bị GSHT là rất cần thiết nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải nhỏ, chỉ có vài ba đầu xe, vin cớ tăng chi phí quản lý khi phải bố trí nhân viên theo dõi và quản lý hệ thống GSHT nên cho rằng không hiệu quả, thậm chí chỉ lắp cho có để đối phó.
Khó quản lý
Trả lời về việc làm gì để quản lý tình trạng lái xe tắt thiết bị GSHT khi đang lưu thông để chạy quá tốc độ hay chạy sai lộ trình, ông Bùi Danh Liên khẳng định là khó và phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của doanh nghiệp vận tải cũng như các lái xe. “Nhân viên giám sát hệ thống thiết bị của doanh nghiệp phải trực 24/24 giờ mới có thể can thiệp hoặc yêu cầu lái xe tuân thủ việc bật thiết bị GSHT. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không bố trí hay không có nhân viên làm việc này” - ông Liên nêu.
Bình luận (0)