Thế nên, báo cáo kiểm soát viên của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) gây chấn động dư luận khi cho biết do quản lý lỏng lẻo nên hàng trăm tỉ đồng vốn nhà nước từ các công ty thành viên của Vinafood 2 “bốc hơi” và chỉ trong 3 quý của năm 2013, gần một nửa trong 44 đơn vị trực thuộc tổng công ty này thua lỗ, nợ nần…
Vinafood 2 là đầu tàu của ngành lương thực cả nước, chuyên kinh doanh nông sản, thực phẩm chế biến - xuất khẩu…, trong đó mạnh nhất là xuất khẩu gạo. Trong một thời gian dài, người đứng đầu Vinafood 2 cũng là chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nên Vinafood 2 thống lĩnh thị phần lúa gạo trong nước cũng như xuất khẩu gạo. Một mảng thị phần không đáng kể còn lại dành cho Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và các công ty lương thực khác. Và cũng nhờ vậy, tổng công ty này được ưu đãi rất nhiều, trong đó có chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo hằng năm (được nhà nước cấp vốn không lãi suất để mua lúa trong dân và chế biến, xuất khẩu).
Không đối thủ trong nước, gần như một mình một chợ trong xuất khẩu gạo, Vinafood 2 tất nhiên chi phối cả VFA, tức là lèo lái cả đường lối xuất khẩu gạo của cả nước. Nhiều hợp đồng bán gạo trị giá lớn Vinafood 2 có được phần do thương hiệu, phần nhờ những “lợi thế” khác.
Với mô hình hoạt động công ty mẹ - công ty con, Vinafood 2 có 14 đơn vị thành viên là “con ruột” và khoảng 30 “con chung” là các công ty TNHH, công ty cổ phần. Thường thì khi cha mẹ quá giàu, con cái cũng sẽ khá lên nhờ hưởng lợi thế đó. Hoặc con cái sẽ hư hỏng vì không chịu làm ăn hay có làm mà như chơi trong khi cha mẹ thiếu quan tâm. Vinafood 2 và các công ty con rơi vào trường hợp thứ hai này.
Tiền thất thoát, thua lỗ là tài sản của nhà nước, cũng chính là tiền nộp ngân sách của người dân. Người trồng lúa quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà thấy mồ hôi nước mắt của mình bị người ta chi xài như cỏ rác thì hẳn đau đớn lắm. Của đau, con xót - đó là tâm lý chung, còn đối với Vinafood 2, điều đó dường như là ngoại lệ.
Hết công ty lương thực này đến công ty lương thực khác thua lỗ, thất thoát, bị nợ khó đòi, phải phá sản hoặc bán tài sản để tồn tại… Vậy đã có giám đốc đơn vị trực thuộc nào của Vinafood 2 bị thôi chức vì thua lỗ? Lợi tức từ xuất khẩu gạo lâu nay rơi vào túi ai? Nên nhớ là Kiểm toán Nhà nước từng công bố thu nhập bình quân của lãnh đạo Vinafood 2 gần 80 triệu đồng/tháng (báo cáo kiểm toán năm 2012)...
Hàng loạt đơn vị trực thuộc ném tiền qua cửa sổ, nông dân - chủ thể làm ra lúa gạo để xuất khẩu - thì nghèo vẫn hoàn nghèo trong khi tình hình xuất khẩu gạo vẫn ì ạch, thậm chí đang bế tắc, ban lãnh đạo Vinafood 2 với các nhiệm kỳ liên quan không thể thoái thác trách nhiệm liên đới. Phải đưa vụ này ra ánh sáng. Báo cáo kiểm soát viên đã có những thông tin cơ bản, phần việc còn lại - theo trình tự - thuộc về các cơ quan thanh tra cấp cao hơn.
Bình luận (0)