icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nên biến Đê La Thành thành một công viên di tích

Trần Hậu Yên Thế (TTVH)

Theo quy hoạch, tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa sẽ được mở rộng trên 50 m, kết hợp mở đường với quy hoạch kiến trúc dọc theo 2 tuyến phố. Nó sẽ trở thành tuyến phố kiểu mẫu, đẹp nhất thủ đô.

Tuy nhiên, trong khi nhanh chóng muốn xóa đi hình ảnh về con đê nhỏ bé, xấu xí, gập ghềnh này, người ta quên mất một điều rằng đây chính là thân của đê La Thành được đắp từ hơn 1.000 năm trước bao quanh thành Thăng Long xưa. Tôi cho rằng chúng ta có thể kết hợp giữa việc bảo tồn với tham vọng xây dựng tuyến phố đẹp nhất ở khu vực này bằng cách biến đê La Thành thành một công viên di tích

Nhìn từ xứ khác

Công viên là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Ở Bắc Kinh, công viên chẳng những nhiều về số lượng mà còn rất đa dạng về chủng loại, từ công viên giải trí, công viên sinh thái đến công viên lịch sử. Các công viên lịch sử ở Bắc Kinh nổi tiếng ở vẻ cổ kính và hoành tráng. Có thể kể ra đây, như: Thiên Đàn (Di sản Văn hóa Thế giới), Nhật Đàn, Nguyệt Đàn, Địa Đàn, Di Hòa Viên, Cảnh Sơn, Viên Minh Viên (công viên di tích) và mới được tôn tạo gần đây (năm 2003) là công viên di chỉ Đại đô thành nhà Nguyên.

Theo sử sách và kết quả khảo cổ học cho biết: Đại đô thành nhà Nguyên được xây dựng vào năm 1267, hình vuông có chu vi 28.600 m, chiều Đông Tây 6.700 m, Nam Bắc 7.600 m, gồm 11 cổng. Nhưng đến nay, Đại đô thành chỉ còn là những gò đất thoai thoải, dài chừng 10 km.

Là một phần của công tác chuẩn bị cho Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Chính phủ Trung Quốc đã cho tôn tạo quần thể di tích và biến những gò đất cỏ dại xưa thành công viên Đại đô thành nhà Nguyên. Trung tâm của khu di tích này là quần thể điêu khắc, bích họa ở Mẫu Đơn Viên. Những con ngựa đồng (bằng tỉ lệ thật) bất chợt lao ra từ lùm cây lúp xúp, ngạo nghễ hất tung những chiếc bờm trong gió. Hoàng đế nhà Nguyên uy nghi thiết triều, tả hữu là quần thần và chư hầu các nước lân bang, tiến lại phía trước là các thớt voi chiến. Đá ở đây sảng khoái kể những trang sử hiển hách bằng những nhát đục vạm vỡ. Huyền thoại, quá khứ và thực tại đan xen vào nhau...

Thử phác họa Công viên Di tích Đê La Thành

Cổ kính hơn rất nhiều lần Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Ô Quan Chưởng, cột cờ Hà Nội, chính là La Thành đắp năm 1014 trên một phần nền thành Đại La thời Đường. Nếu như thế, không thể không tính đến cái mốc năm 767 khi Trương Bá Nghi (quan kinh lược sứ nhà Đường) bắt đầu khởi công xây thành Đại La.

Quả thật chúng ta đã quên mất một ''Thành Đại La phía Đông chạy dọc theo hữu ngạn sông Nhị như một đoạn đê của sông này từ Bến Nứa đến Ô Đống Mác, phía Bắc theo hữu ngạn sông Tây Lịch phía Nam Hồ Tây từ Bưởi đến Hàng Buồm ngày nay, phía Tây theo tả ngạn sông Tô Lịch từ Bưởi đến Ô Cầu Giấy, phía Nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền đến Ô Đống Mác'' (Hoàng thành Thăng Long phát hiện khảo cổ học).

Dự án cải tạo đê La Thành hiện nay chỉ đáp ứng một nhu cầu duy nhất là đi lại. Một dự án mà ta có thể thấy qua tấm pano (trên đường Đê La Thành một ở phía gần Ô Chợ Dừa, một ở đầu đường Phạm Ngọc Thạch) đã quên mất một di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của đất Hà Thành. Người viết cho rằng phương án giải quyết của Công viên Di chỉ Đại đô thành nhà Nguyên (Bắc Kinh, Trung Quốc) rất đáng để chúng ta tham khảo. Theo cách làm này, Đê La Thành trở thành dải phân cách ở giữa với tư cách như một công viên, đường mở rộng sang hai bên. Ở di tích Đại đô thành nhà Nguyên, có những đoạn người ta phải đắp thêm, vậy mà cả ta lại bỏ quên cả một dấu tích văn hiến đã hơn ngàn năm tuổi này. "Thăng Long - Hà Nội là một đô thị sông - hồ được bao bọc bởi một tứ giác nước 30 km - đường Đê La Thành" (Trần Quốc Vượng). Như thế trước khi là thành, là đường, thì hẳn đây phải là một con đê. Công trình xây dựng vĩ đại nhất của Việt Nam được thế giới nể vì không phải bằng đá, gỗ mà là bằng đất, không phải là các đền, đài, dinh thự, mà đó chính là các con đê.

Hà Nội cần có một Công viên Di tích Đê La Thành, mà theo tôi đoạn Đê La Thành từ đình Kim Liên đến Ô Chợ Dừa là rất thích hợp. Đoạn đê ở đây còn khá cao, lại còn có hồ Xã Đàn và một con mương nhỏ. Công viên Di tích Đê La Thành chính là một tượng đài bằng đất tôn vinh tinh thần lao động bền bỉ của ông cha.

Nhìn nhưng con đê, tưởng đến hàng triệu nắm đất, thấm đẫm nỗi khó nhọc ngàn đời.

Mai này khu Kim Liên –Trung Tự được xây mới lại với những tòa chung cư hiện đại thì chúng ta cần lắm những rặng tre ngà thấp thoáng ven bờ đê cổ. Công viên Di tích Đê La Thành không chỉ là một lá phổi xanh của đô thị mà còn là một pho sử sống động.

Người viết chẳng có tham vọng gì, chỉ mong rằng con cháu mai sau sẽ không hỏi chúng ta Đê La Thành là gì?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo